Ở tuổi 93, đạo diễn Xuân Phượng có hai cuộc đời. Hơn 60 năm đầu tiên, bà gắn mình với cách mạng, chế thuốc nổ, trở thành phóng viên chiến trường và làm phim tài liệu. 30 năm còn lại, bà dành hết cho hội họa với vốn kinh nghiệm bằng không.
Cuộc đời người phụ nữ này, nếu có tóm lại, có thể chỉ bằng một chữ: liều. Liều cùng mình.
Cuộc đời dữ dội ấy từng được bà thuật lại trong hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... Cuốn sách đã gây tiếng vang trên văn đàn ngay từ khi xuất bản và được trao giải thưởng văn học Hội Nhà văn năm 2020.
Từ 72 tác phẩm ban đầu, bộ sưu tập của bà Xuân Phượng đã lên đến hơn 4.000 tranh. Trong ảnh: bà Xuân Phượng tại phòng tranh Lotus vào chiều 21-5 - Ảnh: NVCC
Năm 1988, về hưu với vài đồng bạc ít ỏi, không chịu cảnh thui chột ở nhà và suốt ngày đi qua đi lại, bà Phượng quyết tìm con đường cho mình. Bà sang Pháp làm việc cho các hãng phim và sống bằng nghề dịch phim, dịch báo chí.
Nữ đạo diễn kể khoảng thời gian ấy, bà hoàn toàn đắm mình trong không khí háo hức đón chờ những bộ phim hay của thế giới. Thế nhưng, niềm hạnh phúc chẳng được lâu.
"Mỗi lần thấy tôi, dù là bạn bè hay người mới quen đều bày tỏ niềm thương cảm rằng Việt Nam gặp chiến tranh thế này, người dân đau đớn thế kia, tội nghiệp cho trẻ em Việt. Ban đầu, đó là niềm vui khi được người khác quan tâm, nhưng lâu dần chúng khiến tôi cảm thấy bức bối.
Sao nhắc đến Việt Nam chỉ toàn những chuyện đau thương, khốn khổ. Nước chúng tôi còn cả một nền văn hóa bốn nghìn năm kia mà. Nghĩ vậy, tôi quyết định làm điều gì đó để giới thiệu nền văn hóa Việt ra nước ngoài, ý tưởng mở phòng tranh cũng hình thành từ đó" - bà kể.
Nghĩ là làm, trở về Việt Nam năm 1991, bà mở phòng tranh Lotus. Sau giải phóng, các phòng tranh tư nhân ở Sài Gòn đóng cửa, chỉ có hai công ty quốc doanh Xunhabasa và Fahasa là được độc quyền bán tranh của các họa sĩ. Thế nên, khi nữ đạo diễn gửi đơn xin thành lập phòng tranh lên Sở Văn hóa, cán bộ nhận đơn tặc lưỡi: "Cô dám mở phòng tranh tư nhân à? Khó lắm đấy cô ạ".
Khi bà hỏi ý cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông cũng đáp: "Cô có gan thì cứ mở". Quả thật lá gan của bà rất lớn. Nhờ cơ chế khuyến khích tư nhân hoạt động thương mại của thành phố, phòng tranh ra đời.
Mở gallery là một quyết định táo bạo, nhưng còn khốc liệt hơn khi bà phải đối đầu với chính chồng mình.
"Chồng tôi là giáo sư Bách khoa Hà Nội. Trưởng thành trong môi trường quân ngũ nên ông có những suy nghĩ rất cứng nhắc. Khi tôi thành lập phòng tranh, ông gửi thư cho tôi với lời lẽ tôi nhớ như in và bức thư vẫn còn giữ: "Phượng à, từ khi Phượng bắt đầu con đường trở thành con buôn thì Phượng đã quên con đường đi vào thư viện rồi".
Ông viết như vậy đấy, tôi buồn mà không nói gì, chỉ có thể chứng minh bằng kết quả của mình" - bà Xuân Phượng nhớ lại.
Muốn cải hoán suy nghĩ của chồng, bà đưa ông đến những cuộc triển lãm để thấy cuộc sống của người họa sĩ đã thay đổi thế nào nhờ tiền bán tranh. Dần dần, chồng bà không còn nhắc đến chuyện buôn bán nữa.
Thời ấy, kinh tế tư nhân còn dè dặt, những người như bà Phượng vừa làm vừa lần và không khỏi chịu những ánh mắt dò xét. Lận lưng với số vốn 2.000 USD dành dụm khi đi làm ở nước ngoài, bà dạm mua 72 tranh của họa sĩ Trương Đình Hào, lúc bấy giờ chưa tiếng tăm gì, và tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho ông. Một nửa số tranh của họa sĩ được bán hết. Bà lại đưa tranh ông sang Pháp và các nước châu Âu.
"Có những khi tôi phải bán trang sức, cầm cố đồ của mình để phòng tranh hoạt động. Phòng tranh chỉ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ tài năng nhưng chưa nhiều người biết đến để giới thiệu ra thế giới một nền mỹ thuật Việt Nam đa dạng và cũng là để hỗ trợ những nghệ sĩ khó khăn. Muốn như vậy phải chuẩn bị kinh tế, không có tiền thì đến sinh nhai cũng chưa xong chứ đừng nói đến chuyện giúp đỡ người khác" - bà tâm sự.
Bà đã tìm thấy không ít họa sĩ đang sống trong cảnh khổ sở, người mở triển lãm không bán được bức nào, ai cũng nghèo, chỉ có thể động viên nhau. Có họa sĩ sống và vẽ dưới chân cầu thang vỏn vẹn 1-2 mét vuông, bao nhiêu đau khổ và dồn nén đều vun vào đấy.
Nhiều hoạ sĩ đã trưởng thành từ sự hỗ trợ, động viên không ngừng nghỉ của nhà sưu tập Xuân Phượng - Ảnh: MAI THỤY 7. Ảnh phải: Đội ngũ Lotus Gallery trong một triển lãm tại Pháp năm 2019 - Ảnh: NVCC
Chứng kiến tất cả những cảnh khổ sở một họa sĩ phải đối mặt, bà tìm cách bảo vệ họ, kể cả phải làm phật ý cả họa sĩ lẫn nhà sưu tập. Giới họa sĩ ít tiếp xúc với người buôn tranh, nên họ dễ chịu thiệt trong các cuộc thương lượng. Khi triển lãm cho họa sĩ Hoàng Sùng, một người yêu tranh đề nghị độc quyền mua tranh ông ở Pháp trong ba năm và họa sĩ cũng có ý muốn bán.
"Thế mức mua mỗi năm bao nhiêu?" - bà ướm hỏi. "Là ba trăm đôla!". Bà gạt phăng đi: "Mỗi năm mua ít như vậy mà anh lại mất quyền bán cho mọi người ở Pháp thì thật là không nên". Bà cương quyết giữ quan điểm và không để họa sĩ ký với nhà sưu tập.
Sau này, họa sĩ Hoàng Sùng bán được nhiều tác phẩm trên thị trường trong nước, thế giới và mới hiểu hết những quyết định của Xuân Phượng ngày ấy.
Không phụ lòng người, những họa sĩ do bà nâng đỡ dần tìm được vị trí trên thị trường và được các nhà sưu tập biết đến. Hiện nay, phòng tranh Lotus có trên dưới 4.000 tác phẩm. Vốn liếng nghệ thuật ấy là chắt chiu của người phụ nữ 30 năm gánh gồng những soi mói, có thành công và cũng lắm cay đắng.
Gắn bó với các hoạt động nghệ thuật ở Pháp và cả Việt Nam, bà Xuân Phượng được các ký giả người Pháp quan tâm đặc biệt - Ảnh: NVCC
Sự dấn thân của bà đã được công nhận bằng Huân chương Bắc đẩu bội tinh do Chính phủ Pháp trao năm 2011 vì những cuộc triển lãm tranh và đóng góp không ngừng nghỉ cho tình hữu nghị Pháp - Việt.
Gần một phần ba cuộc đời dành cho hội họa, khó có thể nói chính xác điều gì làm nên những nụ cười ở người phụ nữ đã 93 tuổi. "Có những chuyện ngày xưa tôi chỉ biết khóc, giờ thì có thể cười rồi", bà nói.
"Tôi từng nâng đỡ một họa sĩ từ khi anh không có gì đến lúc nổi tiếng. Anh tổ chức một triển lãm cá nhân ở Hà Nội nhưng lại không mời tôi. Nghĩ là anh quên nên tôi tự bay từ Sài Gòn ra để dự.
Thế nhưng, khi gặp nhau, vợ chồng họa sĩ lại năn nỉ tôi đừng mua tranh nữa để họ tự bán cho các nhà sưu tập khác với giá cao hơn. Lòng tôi tự dưng thấy chát xít. Vừa khóc, vừa rời khỏi Hà Nội ngay trong đêm khai mạc" - đạo diễn Xuân Phượng nhớ lại.
Một nghệ sĩ khác được bà giới thiệu ký hợp đồng độc quyền với nhà sưu tập nước ngoài. Nhà sưu tập mua từ tranh lớn, tranh nhỏ cho đến các phác thảo rời để triển lãm. Vài năm sau, nhà sưu tập gõ cửa nhà đạo diễn Xuân Phượng bằng nét mặt sa sầm, tức tối.
Hóa ra, vị họa sĩ đã lén bán tác phẩm cho một phòng tranh đối thủ ở Singapore. Trong cơn giận dữ, nhà sưu tập nước ngoài bán toàn bộ tranh của họa sĩ với giá rẻ mạt và thề không bao giờ mua nữa. Cũng từ đó, họa sĩ đó chỉ bán được tranh luẩn quẩn trong nước vì đã bị mất giá, mất niềm tin ở thị trường nước ngoài.
Ở tuổi 93, bà vẫn tiếp tục công việc viết văn, xuất bản sách và đồng hành với hội họa - Ảnh: MAI THỤY
"Đây là bài học về niềm tin. Trong giới nghệ thuật, sự tín nhiệm còn cao hơn cả tài năng. Nhà sưu tập mua tranh là đầu tư vào tác phẩm, năng lực và cả nhân cách họa sĩ. Một lần thất tín với người sưu tập thì sẽ không thể nào có con đường quay lại" - bà rút ra sau hai câu chuyện chua chát.
Bà cũng đang ấp ủ dự định ra mắt một tập sách mang tên Sắc màu không biên giới, viết về những chặng đường và vấp ngã trong hành trình sưu tập tranh.
Tròn 30 năm kể từ ngày mở phòng tranh, giờ đây đạo diễn phim Việt Nam và chiếc xe đạp quyết định dừng lại để chuẩn bị cho những hành trình mới. Gallery sẽ được bà chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn nhưng vẫn mang trọn vẹn những ấp ủ của ngày đầu thập niên 1990: bệ đỡ cho họa sĩ chưa thành danh.
Gần một phần ba cuộc đời dành cho hội họa, khó có thể nói chính xác điều gì làm nên những nụ cười ở đạo diễn Xuân Phượng - "người đàn bà thép" của hội họa Việt - Ảnh: MAI THỤY
Xem thêm: mth.12193838022502202-teiv-aoh-ioh-auc-peht-ab-nad-iougn-gnouhp-naux-neid-oad/nv.ertiout