Gần đây, người dân đi du lịch tại các tỉnh nhận thấy các đặc sản vùng miền "thăng hạng" cả về chất lượng và mẫu mã. Nhiều sản phẩm gắn nhãn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được trưng bày tại các điểm du lịch, các hội chợ, triển lãm.
Hút khách hơn dự tính
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi, TP HCM) - chuyên về các loại bột rau sấy lạnh uống liền - có 5 sản phẩm được UBND TP HCM công nhận OCOP 4 sao. Trong đó, "Bột rau má có đường Orama" là sản phẩm duy nhất được UBND TP HCM làm hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đánh giá, phân hạng, công nhận là sản phẩm OCOP hạng 5 sao (cấp quốc gia).
Chị Nguyễn Thị Hương, giám đốc công ty, cho biết tại Ngày hội Du lịch TP HCM mới đây, gian hàng của công ty rất hút khách nên phải tuyển thêm 2 nhân viên đứng quầy. "Sản phẩm OCOP rất phù hợp với các hoạt động du lịch bởi đây là chứng nhận tôn vinh các sản phẩm bản địa khi khai thác được chuỗi giá trị tại địa phương từ nguyên liệu, lao động đến chế biến tại chỗ và trải qua xét duyệt khắt khe của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi du lịch hồi sinh, tiêu thụ sản phẩm qua kênh này tăng. Sắp tới, công ty sẽ kết nối đưa sản phẩm vào Khu Di tích địa đạo Củ Chi, các trạm dừng chân để phục vụ du khách" - chị Hương bày tỏ.
Ngay từ đầu khởi nghiệp với sản phẩm mật dừa nước (chiết xuất từ cây dừa nước Cần Giờ, sản phẩm OCOP 4 sao), anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam, đã chủ đích phát triển sản phẩm gắn với du lịch Cần Giờ. Đến nay, doanh số bán hàng qua kênh du lịch chiếm khoảng 30%.
Anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (sở hữu sản phẩm nước mắm Lê Gia OCOP 4 sao và mắm tôm Lê Gia OCOP 5 sao), tiết lộ doanh nghiệp (DN) đang thực hiện dự án kết hợp mô hình sản xuất mắm truyền thống với du lịch trải nghiệm để tạo sự cộng hưởng, góp phần khai thác tài nguyên bản địa, tạo thu nhập cho người dân địa phương. "Người tiêu dùng đã có sự nhận biết về nhãn OCOP, có sự tin tưởng để chọn mua khi đến các điểm du lịch" - anh Lê Anh lạc quan.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại khu vực trưng bày hàng OCOP ở siêu thị TP HCM. Ảnh: AN NA
Đi vào kênh siêu thị
Sau khi được chứng nhận OCOP, những sản phẩm này được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại miễn phí từ các cơ quan nhà nước, được địa phương chọn làm quà tặng… Tuy nhiên, với nhiều chủ thể OCOP, các hội chợ mang tính thời điểm, về lâu dài sản phẩm cần có kênh phân phối ổn định tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ghi nhận của phóng viên, tại nhiều siêu thị lớn ở TP HCM đều có khu vực trưng bày riêng sản phẩm OCOP, cho thấy sự đồng hành của các kênh phân phối hiện đại.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (có 2 sản phẩm OCOP 4 sao), cho biết ngay sau khi được trao chứng nhận, Xuân Nguyên đã ký hợp đồng với 2 hệ thống bán lẻ lớn là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và Tổng Công ty Thương mại TP HCM (Satra). Công ty rất hy vọng chứng nhận OCOP sẽ tạo lực đẩy giúp sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, đạt doanh số cao hơn nữa.
Vài năm trở lại đây, số lượng sản phẩm OCOP được các tỉnh, thành chào bán vào kênh phân phối hiện đại gia tăng đáng kể. Thông qua các chương trình xúc tiến phát triển sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành, các hệ thống siêu thị lớn gồm Co.opmart, Co.opXtra, Big C, GO!, MM Mega Market, Aeon... đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành về việc đưa sản phẩm OCOP lên quầy kệ siêu thị, cùng với đó là các hoạt động quảng bá cho nhóm sản phẩm này.
Điển hình là tại hệ thống GO!, Big C, trung tuần tháng 6 tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức "Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam 2022" nhằm kích cầu tiêu dùng, nâng cao nhận thức về giá trị của OCOP và sản phẩm nông nghiệp đặc sắc các địa phương.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op, cho biết sản phẩm OCOP đã có mặt tại kệ hàng siêu thị từ nhiều năm trước, đến nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng, mẫu mã bao bì. Tuy nhiên, do các DN, HTX... còn hạn chế về năng lực cung ứng nên phần lớn sản phẩm OCOP được thu mua, tiêu thụ trong phạm vi nhỏ.
"Saigon Co.op đang có khoảng vài trăm mã hàng OCOP nhưng chỉ vài chục mã hàng được bán ở chuỗi siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tại TP HCM, còn lại bán tại các siêu thị ở tỉnh hoặc vài tỉnh lân cận" - ông Huy nêu thực trạng. Cũng theo ông Huy, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương (không có chứng nhận OCOP), từ đó tạo cơ sở để gia tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Một chuyên gia bán lẻ nhận xét hiện đang có sự trùng lắp, na ná nhau giữa sản phẩm OCOP của các địa phương, làm giảm tính cạnh tranh và nét riêng của sản phẩm. "Không nên chạy theo số lượng mà cần tìm những sản phẩm thật chất lượng, ấn tượng để xét chọn, phát triển. Làm sao cho các chủ thể nhận thức và đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm để từng bước nâng tầm thương hiệu OCOP" - chuyên gia này nói.
Đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), VECOM đang đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử. Hoạt động này gắn với du lịch nông thôn để khách hàng đến và trải nghiệm sản phẩm OCOP tại nơi sản xuất; khách hài lòng có thể "chốt đơn", hàng sẽ được giao tận nhà khách khi chuyến du lịch kết thúc. "Chúng tôi cố gắng đẩy mạnh các phương thức thương mại điện tử đơn giản, phù hợp với số đông, trong đó có các chủ thể của các sản phẩm OCOP vốn không mạnh về công nghệ" - ông Dũng nói.
Nhiều hỗ trợ cho sản phẩm OCOP TP HCM
Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM Đinh Minh Hiệp cho biết mục tiêu năm 2022, TP HCM công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận thì sẽ tiếp tục được giới thiệu, quảng bá để đông đảo người dân trong và ngoài thành phố biết đến. Đặc biệt, sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP HCM ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025" - ông Hiệp thông tin.
Xem thêm: mth.85711010222502202-poco-mahp-nas-ohc-hnac-pahc/et-hnik/nv.moc.dln