vĐồng tin tức tài chính 365

Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm

2022-05-23 11:14
Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Cổng đình An Khánh cũ - Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển

Đình An Khánh là một trong ba ngôi đình làng chính tại Thủ Thiêm được lập từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Theo ông Trần Hữu Phước, các đơn vị đang thử tải nền móng và khoan khảo sát địa chất để thiết kế kỹ thuật, hoàn chỉnh hồ sơ trình xin ý kiến của cơ quan chức năng.

Biết ơn người có công tạo dựng đất Thủ Thiêm

Theo trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, bí thư Thành ủy TP Thủ Đức đã làm việc với các đơn vị về việc phục dựng đình An Khánh. 

Đình được phục dựng tọa lạc cạnh vị trí đình cũ. Việc phục dựng đình An Khánh nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng, tôn vinh công lao, thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, đối với người có công mở đất khai phá và tạo dựng vùng đất Thủ Thiêm.

Lãnh đạo TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu quy mô diện tích của công trình phục dựng, bảo đảm thiết kế rộng rãi, thoáng mát, trồng cây xanh phù hợp. Bố trí các khu vực thờ tự đảm bảo tính tôn nghiêm, trang trọng, hài hòa.


Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm - Ảnh 2.

Đình có hướng mặt chính quay về phía đông, trước chính điện và võ ca (gian trước) rộng rãi với sân khấu để hát khi cúng kỳ yên và các ngày lễ hội khác - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay, vị trí phục dựng đình An Khánh nằm sát đường Lương Định Của, cạnh công trình Trung tâm Triển lãm quy hoạch kiến trúc TP.HCM về phía bờ sông Sài Gòn. Khuôn viên của khu đất đang được rào chắn, quan sát từ bên ngoài thấy có một số máy móc và lán trại công nhân ở bên trong.

Sách Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai, do PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân làm chủ biên (NXB Tổng Hợp TP.HCM năm 2010), có viết rằng khu vực của khu đô thị mới Thủ Thiêm trước đây có ba đình chính là các đình Thủ Thiêm, An Khánh và An Lợi Đông. 

Đình Thủ Thiêm đã bị san bằng khi Pháp chiếm Nam Kỳ, còn đình An Khánh được xem như là biểu tượng của vùng đất Thủ Thiêm.

Đình An Khánh và các công trình liên quan đã có quyết định di dời để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2011. Đến năm 2014 thì việc di dời hoàn thành. Khu đất đình An Khánh cũ hiện nay không còn dấu vết của đình.

Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm - Ảnh 3.

Bàn thờ Thần trong chính điện đình An Khánh cũ. Ngoài bàn thờ Thần hoàng bổn cảnh, còn các bàn thờ khác như Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Bạch Mã thái giám, Chiến sĩ trận vong, Bạch hổ Sơn thần... - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển

Từng được kiến nghị giữ lại

Đình An Khánh trước đây nằm cách bến phà Thủ Thiêm 300m, trong khu dân cư đông đúc của phường An Khánh thuộc quận 2 cũ. Khuôn viên đình An Khánh có diện tích khoảng 740m2 (thời điểm trước năm 2010), trong đó diện tích chính điện 362m2, còn lại là sân.

Cạnh đình có phần mộ thần rộng 117m2, chính là mộ của Thần Thanh Hoàng bổn cảnh. Đình An Khánh trước đây thuộc xã An Khánh của huyện Thủ Đức, rồi thuộc phường An Khánh của quận 2 và hiện nay khu vực này thuộc phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm - Ảnh 4.

Theo các tài liệu, đình An Khánh được thành lập trong giai đoạn từ năm 1679 đến 1725. Chính điện được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ (nhà có bốn cột cái, một gian hai chái), lợp ngói, khung gỗ, tường gạch - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển

Đình An Khánh không có sắc thần do vua phong. Tuy nhiên, trong đình còn giữ lại một mảnh lụa có thêu các chữ nho: Bình Dương huyện, Gia Định tỉnh, Tân Bình phủ, Bình Trị tổng, An Lợi xã, Trần Thống quân Hà Quảng Thống sư, danh lộc tri thủy bộ chi thần, trước sắc Bổn cảnh Thần hoàng (Vị thần họ Trần, thống soái đạo quân Hà - Quảng, chỉ huy cơ doanh Lộc tri thủy bộ xã An Lợi, tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định được sắc vua ban cho tước vị Thần hoàng bổn cảnh).

Ngôi mộ to nằm cạnh đình An Khánh được cho là của vị thần Thành hoàng của đình. Đình An Khánh được trùng tu một lần vào những năm 1980, mái ngói âm dương được thay bằng ngói tráng men, nền chính điện nâng lên cao 60cm để tránh bị ngập và có thêm bia ông hổ đắp nổi ở đối diện với chính điện.

Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm - Ảnh 5.

Mặt trước chính điện đình An Khánh. Dưới chân các cột ở chánh điện có những viên đá tảng hình trụ kê chân, chân tường có những lớp gạch xây hình vòm để chịu lực, mái đình lợp ngói âm dương. Mái đình không cong, bốn góc mái có bốn tượng rồng và nóc đình có hình lưỡng long chầu nguyệt. - Ảnh: Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển

Khi chưa bị di dời, lễ kỳ yên đình An Khánh được tổ chức vào ngày 15, 16-11 âm lịch hằng năm, ngoài lễ cúng còn có hát bội. Sách Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai nhận định đấy là ngôi đình đã gắn bó với người dân Thủ Thiêm từ bao đời, ngôi đình là biểu tượng của vùng đất Thủ Thiêm. 

Các tác giả nhận định đình An Khánh và một số công trình trên đất Thủ Thiêm như Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá... là nhóm trong những di sản xứng đáng được duy trì và bảo tồn tại địa điểm gốc. Những di vật quý, hiếm của các công trình này có thể làm tăng thêm đặc trưng của vùng đất Thủ Thiêm.

Rất tiếc, những cảnh báo trên từ năm 2010 chưa được tiếp thu và nghiên cứu thấu đáo nên năm 2014 đình An Khánh đã bị di dời trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngôi mộ thần Thành hoàng cạnh đình cũng được khai quật và đưa về khu mộ cổ Gò Quéo (phường Bình Trưng Đông) trong cùng năm.

Thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm: Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam?Thiết kế nhà hát ở Thủ Thiêm: Cơ hội nào cho kiến trúc sư Việt Nam?

TTO - Các đơn vị tư vấn thiết kế Việt Nam "tâm tư" khi chủ đầu tư trình kế hoạch mời 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài dự thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Xem thêm: mth.83163829032502202-meiht-uht-o-hnahk-na-hnid-gnud-cuhp/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phục dựng đình An Khánh ở Thủ Thiêm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools