Sau 6 tuần căng thẳng vì bị bán tháo thì thị trường, chứng khoán trong nước đã có nhịp hồi phục khá tốt trong tuần vừa qua (16/5-20/5), trong đó có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm.
Tuy nhiên sự phục hồi vẫn không đáng kể bởi thanh khoản thị trường vẫn thấp. Tại HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân giảm 13% về 547 triệu cổ phiếu/phiên, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm mạnh hơn 19% về gần 13.600 tỷ đồng/phiên.
Một thông tin quan trọng khác trong tuần vừa rồi là giao dịch tự doanh đã được công bố trở lại sau một thời gian HoSE ngừng cung cấp. Theo số liệu, dòng vốn này bán ròng mạnh 604 tỷ đồng trong thời gian 17/5-20/5.
Sang tuần mới, thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 23/5 với các chỉ số đều tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, đà tăng không quá mạnh cả toàn bộ các nhóm ngành mà phân hóa chủ yếu ở nhóm cổ phiếu lớn. Những mã tăng tốt trong phiên sáng có thể kể đến SHB, GVR, BVH, TPB, GAS… Nhóm cổ phiếu FLC mở cửa cũng duy trì sắc xanh.
Đà tăng của chứng khoán không được xác lập, VN-Index chỉ sau một thời gian ngắn lại đảm chiều và lùi xuống dưới mốc tham chiếu, trong đó nhóm VN30 bị bán mạnh. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 10,77 điểm.
Áp lực bán tiếp tục bị đẩy lên mức cao vào phiên chiều và khiến các chỉ số nới rộng đà giảm, trong đó, các mã thuộc nhóm chứng khoán đồng loạt lao dốc mạnh. VCI giảm đến 6,3%, VND giảm 5,1%, HCM giảm 4,8%. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu như VPB, STB, BCM, DIG, CEO, DXG... đồng loạt lao dốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/5, VN-Index giảm 21,9 điểm, tương ứng 1,77% xuống 1.218,81 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 358 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,36 điểm, tương ứng 2,07% xuống 300,66 điểm. UPCoM-Index giảm 0,48 điểm, tương ứng 0,51% xuống 93,63 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tác động tiêu cực nhất tới chỉ số chung. Trong đó, BID giảm 3,3% và tác động tiêu cực nhất tới chỉ số. Theo sau là VPB giảm 3,2%. Một số mã nằm trong nhóm tác động tiêu cực nhất tới thị trường là VCB, TCG. Một vài mã khác dù không tác động sâu tới chỉ số chung song vẫn chìm trong sắc đỏ là MBB, ABB, HDB, LPB, SHB, TCB, VIB…
Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu chứng khoán. SSI, HCM, FTS… phiên 23/5 giảm sàn. VND giảm 5,2%, VCI giảm 4,8%, AGR giảm 3,9%... Bên cạnh nhóm ngân hàng thì đây cũng là một trong những nhóm tác động tiêu cực nhất tới chỉ số.
Các cổ phiếu thuộc nhóm FLC đều giảm điểm song FLC lại tăng nhẹ. Tập đoàn FLC sẽ họp ĐHCĐ bất thường vào 10/6 tới đây tại Hà Nội để bầu bổ sung lãnh đạo sau thời gian nguyên Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị tạm giam. Dù vậy, mã này vẫn “bốc hơi" khoảng 70% so với hồi đầu năm.
Cổ phiếu VIC và VHM thuộc hệ sinh thái Vingroup đều giảm điểm. Có thời điểm VIC là mã kìm thị trường song kết phiên mức giảm thu hẹp chỉ còn 0,51%. VHM giảm 0,15%.
Nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng phiên hôm nay tiếp tục lao dốc mạnh. CTD giảm 2,82% xuống còn 46.450 đồng/cổ phiếu và trở về vùng giá hồi tháng 3/2020. DXG hôm nay giảm 6,12% xuống 25.300 đồng/cổ phiếu. GEX giảm 6,25%, CEO giảm 7,3%, NLG giảm 2,9%, HBC giảm 4,3%... DIG thậm chí ghi nhận mức giảm sàn.
Cổ phiếu ngành dầu khí là một trong những điểm sáng của thị trường. Giá dầu thế giới đang neo ở mức cao và trong nước, giá xăng đã lập kỷ lục mới, vượt 30.000 đồng/lít. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 670 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng/lít và xăng RON 95 là 30.650 đồng/lít. Đây là thông tin giúp các mã PVD tăng 3%, BSR có thêm 2,8%, PVC tăng 1,8%, PVS và OIL tăng khoảng 1,5%...
Hay như nhóm thủy sản cũng ghi nhận đà tăng tốt ngược với diễn biến giảm của thị trường do xuất khẩu tăng vọt. IDI là mã hiếm hoi chạm trần, ANV sau thời gian tăng trần cũng chịu áp lực bán để lui về còn tăng 3,8%, CMX tăng 2,9%, VHC có thêm 1,6%.
Tại nhóm bán lẻ, PNJ và MWG giảm điểm nhưng FRT vẫn duy trì được sắc xanh. Ngày 8/6 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2021 của FRT với tỉ lệ 55%. Trong đó, 5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng, thời gian thanh toán dự kiến ngày 22/6; 50% bằng cổ phiếu, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Như vậy, sau phát hành vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 789,8 tỷ đồng lên 1.184,7 tỷ đồng, tương ứng 39,49 triệu cổ phiếu mới được phát hành thêm.
Thanh khoản thị trường ở mức khá thấp nhưng tăng nhẹ so với phiên hôm qua, tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 2,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 4,4% lên 12.035 tỷ đồng.
Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng 440 tỷ đồng. SSI bị bán mạnh 154 tỷ đồng, theo sau là VIC với 80,3 tỷ đồng, VNM cũng bị bán 50 tỷ đồng. Ngược lại, một số mã được mua mạnh là DCM 51 tỷ đồng, DPM 44,7 tỷ đồng, BCG 22 tỷ đồng.