Hãng tin Sputnik ngày 22-5 cho biết một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đã công bố một nghiên cứu vào ngày 20-5 cho thấy tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đối với sức khỏe của con người.
Nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu của họ bằng cách theo dõi 7 triệu hồ sơ giấc ngủ từ hơn 47.000 người lớn trên 68 quốc gia.
Họ phát hiện ra rằng nhiệt độ nóng lên vào ban đêm có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của một người. Theo đó, những người ngủ trong không gian có nhiệt độ từ 30 độ C trở lên sẽ mất 14 phút so với lịch trình giấc ngủ của họ.
Theo kết quả nghiên cứu, nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng cao, mỗi người dân trên thế giới sẽ thấy giấc ngủ của họ bị cắt giảm từ 50 đến 58 giờ mỗi năm vào cuối thế kỷ này.
Những người đặc biệt dễ bị mất ngủ do nhiệt độ tăng cao bao gồm người già, phụ nữ và những người ở các nước có thu nhập thấp cũng như các vùng nhiêt đới. Những người không có máy điều hòa hoặc các công cụ làm mát khác trong nhà hoặc nơi ở, làm việc của họ cũng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại.
“Để có thể đưa ra các quyết định, chính sách bảo vệ môi trường và khí hậu một cách sáng suốt, chúng ta cần tính toán tốt hơn toàn bộ các tác động kéo dài của vấn đề biến đổi khí hậu trong tương lai trước hành vi phát thải khí nhà kính hiện nay” - TS Kelton Minor, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Theo kết quả nghiên cứu, nhiệt độ tăng cao có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của con người. Ảnh: THE HILL |
Ngủ là một hoạt động cần thiết ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Giấc ngủ giúp hỗ trợ đảm bảo hệ thống miễn dịch của con người luôn khỏe mạnh, đồng thời tác động đến nhận thức, khả năng chú ý và tâm trạng cũng như hành vi của người.
Chính vì vậy, việc thiếu ngủ sẽ làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất của một người, gây ra các vấn đề về tim mạch, trầm cảm, tức giận và thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến mất ngủ bao gồm rối loạn tâm thần thiếu ngủ, khiến một người bị ảo giác hoặc dễ bị ảo tưởng trong suy nghĩ.
Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ cũng có tác động tiêu cực đến hoạt động điều khiển phương tiện guai thông trên đường phố.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, ngủ gật là nguyên nhân dẫn đến ít nhất 100.000 vụ tai nạn giao thông, khiến 71.000 người bị thương và 1.550 người chết mỗi năm ở nước này.