Đại hội đồng Y tế thế giới từ chối thảo luận việc cho Đài Loan tư cách quan sát viên - Ảnh: SWISSINFO
Theo Hãng tin AFP, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi WHO cho Đài Loan tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) với tư cách quan sát viên vì đại dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: "Trong khi chúng ta vẫn đang chống lại COVID-19 và các đe dọa sức khỏe mới nổi khác, việc Đài Loan bị cô lập khỏi diễn đàn sức khỏe toàn cầu là không chính đáng và làm suy yếu hợp tác y tế cộng đồng toàn cầu chung".
Đại diện của 13 trong số 194 quốc gia thành viên của WHO, trong đó có Belize, Eswatini, Haiti, Tuvalu, đã trình bày đề xuất trao cho Đài Loan tư cách quan sát viên thường trực trong chương trình nghị sự của WHA lần thứ 75.
Đề xuất cho rằng COVID-19 vẫn đang hoành hành nên "việc tiếp tục loại Đài Loan khỏi WHO đã làm tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh tổng thể của WHO, làm suy yếu lợi ích của các thành viên và gây nguy hiểm cho sức khỏe toàn cầu".
Đề xuất cũng nhấn mạnh thành tích chống dịch COVID-19 hiệu quả của Đài Loan. Hòn đảo với hơn 23 triệu người nhưng chỉ có hơn 1.300 người tử vong do COVID-19 từ khi bắt đầu đại dịch.
"Dịch vụ y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân của Đài Loan là một trong những dịch vụ tốt nhất thế giới. Điều đó làm Đài Loan trở thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều quốc gia thành viên của WHO", văn bản viết và nhấn mạnh cộng đồng toàn cầu sẽ được hưởng lợi từ Đài Loan.
Một ủy ban WHA đã thảo luận kín về vấn đề này hôm 22-5 và ngày 23-5, họ đề nghị hội đồng không đưa vấn đề tư cách quan sát viên của Đài Loan vào chương trình nghị sự.
Kỳ họp của WHA lần thứ 75 đã khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 22-5, tập trung vào các vấn đề lớn, trong đó có ứng phó với đại dịch COVID-19, tài chính, cải tổ WHO và sáng kiến sức khỏe toàn cầu vì hòa bình.
Trung Quốc gọi đề xuất cho Đài Loan tư cách quan sát viên tại WHA là "thao túng chính trị", ám chỉ rằng "mục đích thực sự (của Đài Loan) là tìm kiếm độc lập thông qua đại dịch".
Năm 1972, Đài Loan bị mất ghế ở WHO. Đài Loan được dự các cuộc họp thường niên hàng đầu của WHO từ năm 2009 - 2016 với tư cách là quan sát viên. Khi đó, quan hệ của lãnh thổ này với Trung Quốc ấm áp hơn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tăng cường gây sức ép với Đài Bắc kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan vì bà từ chối thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
TTO - Ông Joseph Wu, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, cho biết bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ, hòn đảo này vẫn không nhận được lời mời tham gia cuộc họp quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), diễn ra ngày 18-5, vì áp lực từ Trung Quốc.