vĐồng tin tức tài chính 365

Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận: Người ủng hộ, hỗ trợ phong trào học sinh - sinh viên trước 1975

2022-05-24 12:25
Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận: Người ủng hộ, hỗ trợ phong trào học sinh - sinh viên trước 1975 - Ảnh 1.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê (trái) đến thăm nhân sĩ Hồ Ngọc Nhuận vào năm 2020 - Ảnh:HIẾU HIỀN

Đây là bài viết của Ban liên lạc Phong trào thanh niên học sinh - sinh viên Sài Gòn trước 1975, dựa trên hồi ký Chúng ta đòi hòa bình, Nhà xuất bản Trẻ sắp xuất bản.

Những năm 69-75 ở Sài Gòn có một lực lượng chục vị dân biểu đối lập. Những vị này thường tham gia những hoạt động ủng hộ, trợ giúp phong trào thanh niên học sinh - sinh viên với nhiều mức độ khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận là một trong số các vị đó.

Ngăn việc tra tấn bắt bớ học sinh sinh viên

Năm 1970, chính quyền Sài Gòn bắt giam, tra tấn hàng chục sinh viên học sinh, trong đó có chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Huỳnh Tấn Mẫm. Để đấu tranh đòi trả tự do cho anh chị em bị bắt, các anh chị em trong phong trào bàn nhau tìm mọi cách gây áp lực, tố cáo việc đàn áp sinh viên học sinh của cảnh sát Sài Gòn.

Với cương vị dân biểu Hạ viện, anh Nhuận sử dụng quyền bất khả xâm phạm của mình để cùng một số dân biểu khác vào thăm các sinh viên học sinh bị bắt giam và xác nhận có việc sinh viên học sinh bị tra tấn, đánh đập.

Các vị dân biểu cũng đòi Ủy ban Quân pháp Hạ viện tường trình việc bắt bớ, tra tấn sinh viên học sinh. Tối cao Pháp viện cũng phải vào nơi giam giữ khám nghiệm và xác nhận sự việc.

Sau đó dân biểu Hồ Ngọc Nhuận đã cùng một số dân biểu khác bàn cách giúp các lãnh tụ sinh viên học sinh tiếp cận các quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, để đưa ra các yêu cầu đấu tranh chống đàn áp sinh viên học sinh.

Ngày 31-3-1970, nhân dịp Thượng viện tổ chức ngày ban hành Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Kiều Mộng Thu đã bố trí để hai nữ sinh viên Nguyễn Thị Yến và Tô Thị Thủy lọt vào buổi lễ, tiếp cận Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, yêu cầu giải quyết việc sinh viên học sinh bị bắt bớ tra tấn.

Tổng thống Thiệu buộc lòng giao cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm lên lịch tiếp đại diện sinh viên. Nhờ vậy, sau một thời gian đấu tranh, chính quyền Sài Gòn buộc lòng trả tự do cho 10 sinh viên.

Ngày 24-4-1970, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận cùng một số dân biểu và lãnh tụ sinh viên đã vào khám Chí Hòa đón các anh chị em này, đưa về Trường Nông Lâm Súc điều trị những di chứng do tra tấn đánh đập, đồng thời tố cáo việc sinh viên học sinh bị tra tấn dã man.

Năm 1971 xảy ra việc sinh viên Lê Khắc Sinh Nhựt bị ám sát, nhóm sinh viên thân chính quyền chớp thời cơ vu khống Huỳnh Tấn Mẫm là "đồ tể", "giết người" nhằm hạ uy thế phong trào.

Trước tình huống đó, chị Nguyễn Thị Yến, anh Nguyễn Hoàng Trúc, Hạ Đình Nguyên bàn cách giải tỏa sự nghi ngờ này. Sáng sớm ngày 2-7-1971 anh Mẫm có mặt tại Hạ viện, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận đã đón anh ở đây.

Với sự giúp đỡ của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Phó chủ tịch thứ nhất Hạ viện Hồ Văn Minh, một cuộc họp báo được tiến hành.

Khi mọi người đã hình thành một đám đông trước trụ sở Hạ viện, anh Huỳnh Tấn Mẫm bắt đầu tiến hành cuộc họp báo đứng. Anh thông báo với mọi người rằng dân biểu Hồ Văn Minh, đệ nhất phó chủ tịch Hạ viện, đã khuyên anh hãy tin tưởng vào điều 7 Hiến pháp (trong đó mục 1 quy định "Quốc gia tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân và quyền biện hộ").

Trước sự theo dõi của mọi người, Huỳnh Tấn Mẫm đặt tay lên bản Hiến pháp và bắt đầu đọc nội dung bản tuyên bố của mình:

"Với tư cách chủ tịch Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tôi - Huỳnh Tấn Mẫm - long trọng xác nhận:

Một, tôi tuân theo quyết định của Hội đồng Đại diện sinh viên Sài Gòn về kết quả của cuộc bầu cử ngày 20-6-1971.

Hai, tôi tiếp tục phục vụ đồng bào và sinh viên trên đường hướng đã đi: chống áp bức, bất công, đòi hòa bình và quyền tự quyết cho dân tộc.

Ba, tôi tố cáo âm mưu của chính quyền đổ tội cho tôi về cái chết của sinh viên Lê Khắc Sinh Nhựt. 

Bốn, tôi kêu gọi sinh viên, học sinh đoàn kết để chống lại mọi bạo lực!".

Cuộc họp báo đã giải tỏa âm mưu chụp mũ, trả lại uy tín cho phong trào.

Để tạo uy thế cho phong trào, việc lợi dụng mâu thuẫn của những phe phái chính trị được sinh viên học sinh triệt để khai thác. Anh Hồ Ngọc Nhuận là một người giúp đỡ sinh viên học sinh tiếp xúc, thuyết phục nhiều nhân vật quan trọng giúp đỡ phong trào bằng những cách khác nhau, trong đó phải kể đến Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và đại tướng Dương Văn Minh.

Năm 1971, sau khi tiếp một phái đoàn đại diện sinh viên học sinh, qua sự sắp xếp của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, ông Kỳ đã cho phong trào mượn một góc dinh Phó tổng thống làm nơi hoạt động. Ông cũng giúp máy bay đưa phái đoàn đại diện sinh viên học sinh Sài Gòn ra Huế để tổ chức Đại hội sinh viên học sinh toàn quốc.

Giải cứu Huỳnh Tấn Mẫm như phim hành động

Với anh Huỳnh Tấn Mẫm, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận đã có một màn giải cứu không khác gì trong phim hành động.

Chiều 20-9-1971, được tin hai sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm và Nguyễn Xuân Lập xuất hiện ở trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử đường Công Lý, Bộ chỉ huy Cảnh sát quận 3 huy động lực lượng đông đảo, vây ráp lục soát nhưng cả buổi chiều vẫn không tìm được anh Mẫm.

Cảnh sát không tìm được người nhưng vẫn không rút đi. Họ kéo ra khỏi trụ sở Tổng vụ nhưng vẫn tiếp tục phục kích.

Trong lúc nguy ngập đó, chị Nguyễn Thị Yến gọi điện thoại cho dân biểu Hồ Ngọc Nhuận kể tình hình, nhờ ông Nhuận tìm cách giải cứu cho Huỳnh Tấn Mẫm.

Ông Nhuận không chần chừ, ông nghĩ trong lúc này chỉ có ông Nguyễn Cao Kỳ mới có khả năng phá vỡ được vòng vây nên lái xe đi cầu kiến ông Kỳ.

Ông Kỳ biết chuyện liền ra lệnh cho một đại tá và một trung tá quân đội dưới quyền lái hai chiếc xe Jeep theo sau chiếc xe LaDalat của ông Nhuận tới trụ sở Tổng vụ Thanh niên Phật tử giải vây cho Huỳnh Tấn Mẫm.

Lúc xe ông Hồ Ngọc Nhuận và hai xe Jeep quân đội tới nơi, cảnh sát không dám chặn đường. Theo luật thời đó, cảnh sát chỉ có thể chặn bắt, khám xét dân thường, còn người của quân đội thì chỉ có quân cảnh mới được quyền xét hỏi.

Ông Hồ Ngọc Nhuận là đại biểu Quốc hội nên có quyền "bất khả xâm phạm", xe LaDalat trắng của ông đã quá quen thuộc với cảnh sát Đô thành nên cảnh sát cũng phải để xe ông đi qua.

Cửa trụ sở Tổng vụ mở ra cho ba chiếc xe chạy vào trong. Anh Ngô Thế Lý đã mở cửa phòng cho Huỳnh Tấn Mẫm đi ra, đem áo mưa trùm kín Huỳnh Tấn Mẫm, đeo thêm đôi kính đen cho anh rồi đưa anh cùng một sinh viên nghi trang lên xe Jeep của đại tá quân đội cầm lái.

Một số anh em sinh viên cũng leo lên xe Jeep còn lại để nghi binh. Xe hơi của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận che cửa bít bùng nhưng không chở ai.

Ba chiếc xe chạy ra khỏi Tổng vụ trong ánh mắt hồ nghi của cả trăm nhân viên cảnh sát đang bao vây. Họ không thể chặn xe nhưng có thể theo dõi, vì vậy khi ba chiếc xe vừa phóng đi thì một số xe cảnh sát cũng hú còi bám theo.

Đoàn xe chạy qua cầu Công Lý, nhắm hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Tới ngã tư Công Lý - Trương Tấn Bửu (Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Trần Huy Liệu hiện nay), đoàn xe tách làm hai.

Xe hơi của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận chạy theo đường Công Lý lên phi trường Tân Sơn Nhất kéo theo một số xe cảnh sát bám đuôi. Tới cổng phi trường, ông Nhuận bất ngờ tấp xe vào lề, xuống xe ngồi nghỉ.

Nhìn thấy gương mặt chưng hửng của mấy tay cảnh sát bám đuôi, ông Nhuận cười cười lấy thuốc mời họ hút đỡ.

Hai chiếc xe Jeep quân đội rẽ vào đường Trương Tấn Bửu, đi về hướng Trương Minh Giảng (tức Lê Văn Sỹ - Trần Quốc Thảo ngày nay) rồi chạy thẳng tới trung tâm Sài Gòn. Chiếc xe Jeep chở Huỳnh Tấn Mẫm tắt đèn, nhấn ga vọt lên trước để cắt đuôi.

Chiếc Jeep phía sau mở đèn chiếu hậu sáng choang làm chói mắt xe cảnh sát chạy phía sau, chạy lạng lách, đánh võng cố ý cản đường, không cho xe cảnh sát vượt lên bám đuổi. Vụ việc này sau đó được tường thuật trên một số tờ báo, báo Dân Chủ Mới ra ngày 21-9-1971 giật tít: "Rượt bắt sôi nổi như trên bàn bạc", báo Tia Sáng ra cùng ngày đưa tin: "Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm bị bao vây nhưng được xe nhà binh giải thoát".

Chiếc xe chở Huỳnh Tấn Mẫm chạy ra tới trung tâm Sài Gòn thì thả anh xuống trước chợ Bến Thành. Huỳnh Tấn Mẫm lẩn vào chợ rồi tới gặp má Tám Ảnh ở sạp trái cây cửa Bắc chợ Bến Thành. Má Tám Ảnh cho Huỳnh Tấn Mẫm ngồi chờ ở góc sạp rồi cho người qua liên lạc với má Văn Hoa - chủ tiệm may Văn Hoa ở số 100 Lê Thánh Tôn - nghỉ đêm.

Sáng hôm sau Huỳnh Tấn Mẫm về nhà của má Văn Hoa, anh gọi điện cho chị Nguyễn Thị Yến báo chỗ ở của mình. Trong cuộc trò chuyện, hai người đều đánh giá chính quyền sẽ tiếp tục săn đuổi hòng bắt cho bằng được Huỳnh Tấn Mẫm.

Để duy trì khí thế của phong trào tranh đấu hiện nay, người đứng đầu như Huỳnh Tấn Mẫm phải được tự do. Sau cuộc gọi của Huỳnh Tấn Mẫm, chị Nguyễn Thị Yến lại liên lạc với dân biểu Hồ Ngọc Nhuận để tìm nơi lánh nạn cho anh.

Hôm sau dân biểu Hồ Ngọc Nhuận gọi điện tới văn phòng của đại tướng Dương Văn Minh. Trưa ngày 21-9-1971, đại tướng Dương Văn Minh cử thiếu tá Lộc lái xe tới góc đường Nguyễn Trung Trực - Lê Thánh Tôn (cách nhà má Văn Hoa khoảng 100 mét) đón Huỳnh Tấn Mẫm tới Dinh Hoa Lan.

Tại đây, Huỳnh Tấn Mẫm được bố trí ở trong một gian phòng rộng khoảng 25 mét vuông có đầy đủ tiện nghi, đặc biệt có tivi để theo dõi tin tức, có máy đánh chữ để anh soạn thảo các tuyên cáo và thư từ, có cả điện thoại để anh và đồng đội có thể liên lạc với nhau bất cứ khi nào cần. Anh Huỳnh Tấn Mẫm đã lánh nạn ở đây một thời gian dài đến đầu năm 1972.

Họp mặt cựu sinh viên - học sinh phong trào trước 1975Họp mặt cựu sinh viên - học sinh phong trào trước 1975

TT - Tối 5-2, 400 cựu sinh viên - học sinh phong trào trước 1975, các nữ tu, nhân sĩ trí thức đã có cuộc họp mặt cuối năm tại TP.HCM. Đến dự có nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Xem thêm: mth.32175748042502202-5791-court-neiv-hnis-hnis-coh-oart-gnohp-ort-oh-oh-gnu-iougn-nauhn-cogn-oh-ueib-nad/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận: Người ủng hộ, hỗ trợ phong trào học sinh - sinh viên trước 1975”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools