Ngày 24-5, tại Hội nghị giao ban báo chí quý II-2022, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đã dành nhiều thời gian để thông tin về định hướng của lãnh đạo tỉnh trong các vấn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2022 và thời gian tới.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đảng bộ tỉnh bằng nhiều mục tiêu lớn
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết năm 2021 là năm đầu tiên triển khai hiện thực hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, do đó tỉnh xác định đây là năm hoàn thiện, đồng bộ các hệ thống, các cơ chế chính sách. Qua đó, Hậu Giang đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thông tin nhiều mục tiêu lớn để phát triển Hậu Giang nhanh trong thời gian tới. Ảnh: CHÂU ANH |
Cùng với đó, Hậu Giang đã ban hành bốn “trụ cột”, đó là: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách và 21 đề án, chương trình, nghị quyết để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.
Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ cải thiện vị trí xếp hạng quy mô về kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh so với các địa phương trong khu vực và cả nước.
Theo người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang, về vị trí xếp hạng quy mô về kinh tế, hiện nay, trong 13 tỉnh ĐBSCL, Hậu Giang đứng thứ 13, do đó, vấn đề cải thiện thứ hạng về quy mô kinh tế là một nhiệm vụ cho cả hệ thống chính trị. Theo đó, mục tiêu đề ra là tập trung toàn lực để đưa Hậu Giang phát triển và phát triển nhanh hơn so với khu vực và bình quân cả nước.
“Về thu ngân sách nhà nước, đã đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là tăng mỗi năm 1.000 tỉ nguồn thu ngân sách nội địa. Thống kê đến năm 2020, sau 17 năm thành lập tỉnh, cũng chỉ có 3.500 tỉ/năm, nhưng khi đặt ra vấn đề mỗi năm tăng ít nhất 1.000 tỉ thì năm rồi (2021) tăng được 4.400 năm nay (2022), theo tinh thần đó thì phải là 5.400-5500 tỉ, sang năm sau là phải 6.500 tỉ và đến năm 2025 là phải tăng gấp đôi. Như vậy, dự kiến đến năm 2025, ngân sách chúng ta sẽ gấp hơn hai lần so với giai đoạn 2020” - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thông tin thêm.
Một mục tiêu nữa Hậu Giang đặt ra để thực hiện trong thời gian tới là cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng hành chính công. Hướng đến đưa Hậu Giang nằm trong ba địa phương ở ĐBSCL có chỉ số về môi trường cạnh tranh tốt nhất, xây dựng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh gồm năm sản phẩm nông nghiệp và hai sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng cho tăng tốc phát triển...
Nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ĐBSCL và tỉnh đang đứng trước thời cơ rất thuận lợi rất lớn để phát triển. Cụ thể, Trung ương đang rất xem trọng việc phát triển cho vùng, trong đó, vấn đề rõ nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Hơn 30 năm qua cả ĐBSCL chỉ có hơn 30 km đường cao tốc. Nhưng trong 5 năm tới vùng sẽ có hàng trăm km đường cao tốc được hình thành.
Hậu Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ cải thiện vị trí xếp hạng quy mô về kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh so với các địa phương trong khu vực và cả nước. Ảnh: CHÂU ANH |
Thực tế hơn 30 năm qua cả ĐBSCL chỉ có hơn 30 km đường cao tốc, tuy nhiên theo quy hoạch trong 5 năm tới vùng sẽ có hàng trăm km đường cao tốc được hình thành. Trong đó, Hậu Giang sẽ có khoảng 100 km cao tốc đi qua, đó là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
“Như vậy từ đây đến 2025, chúng ta sẽ có tuyến đường cao tốc gấp ba lần so với ĐBSCL có được từ trước đến nay. Đây cũng một trong những thuận lợi rất cơ bản cơ bản, bởi vì Trung ương đã tổng kết: đại lộ là đại phú, trung lộ là trung phú, tiểu lộ tiểu phú. Thời gian qua, đường ở ĐBSCL so với cả nước chỉ mới là “tiểu lộ” thì làm sao chúng ta lên đại “phú” được” - ông Nghiêm Xuân Thành phân tích.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, quỹ đất trên địa bàn tỉnh còn khá lớn, mặt khác, ngoài những tuyến cao tốc được Trung ương đầu tư, tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng những tuyến đường giao thông mới. Cạnh đó, nâng cấp mở rộng các tuyến đường, trục giao thông chính để kết nối với các tuyến đường cao tốc. Từ đó, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ góp phần thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch.
Ông Nghiêm Xuân Thành: “Hậu Giang sẽ có hai tuyến đường cao tốc sắp triển khai và điểm giao nhau tại huyện Phụng Hiệp. Từ đó, lãnh đạo tỉnh đã xác định, năm 2022-2023 sẽ là năm trọng điểm về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất sẽ lớn chưa từng có từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê sơ bộ, trong hai năm 2022-2023, Hậu Giang sẽ có khoảng 5.000-6.000 tỉ đồng phục vụ cho công tác GPMB, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án cao tốc và của các khu công nghiệp”.