Thời gian qua, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư (NĐT) ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.
Lý do nhà đầu tư đổ tiền vào đất
Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý I của Bộ Xây dựng, phân khúc đất nền chiếm ưu thế khi có lượng giao dịch tăng đột biến đến 242% so với quý IV-2021.
Cụ thể, lượng giao dịch đất nền trong quý đạt hơn 153.500 giao dịch thành công. Khu vực miền Nam ghi nhận tới gần 90.100 giao dịch đất nền thành công.
Nhìn chung, giá đất nền quý I có biên độ tăng cao, bình quân khoảng 5%-10% so với quý trước. Đặc biệt, thời điểm cuối tháng 3 tại một số địa phương như vùng ven Hà Nội và TP.HCM, các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh. Một số nơi mức giá tăng 15%-20% so với cuối năm 2021.
Đất nền vẫn luônđược săn đónkhắp cáctỉnh, thành. Ảnh: QUANG HUY |
Ông Nguyễn Vũ, một NĐT BĐS tại TP.HCM, cho biết đất nền ở thời điểm nào cũng là phân khúc được lựa chọn nhiều nhất. Sau thời gian dịch bệnh, xu hướng nghỉ dưỡng, BĐS sức khỏe được nhiều người hướng đến. Vì thế mới xảy ra làn sóng NĐT đổ về các tỉnh, thành mua đất làm nhà vườn.
“Ngoài ra, tâm lý lo ngại lạm phát cũng hướng các NĐT đến đất nền. Phân khúc này có rất nhiều mức giá trị đầu tư, đất dưới 1 tỉ đồng thu hút nhiều người đầu tư nhất” - ông Vũ chia sẻ.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, cũng cho biết đất nền từ lâu được xem là kênh đầu tư vua vì đây là loại hình BĐS có tính thanh khoản nhanh, hiện hữu, dễ mua bán. Đối tượng quan tâm loại hình này cũng rộng, từ dân văn phòng, tiểu thương hay các NĐT chuyên nghiệp. Tỉ suất lợi nhuận cũng là một nhân tố thu hút.
Bên cạnh đó, hội chứng sợ bị bỏ lỡ được khai thác triệt để trong việc mua bán đất nền. Chính tâm lý nắm giữ hàng chờ tăng giá đã thu hút số lượng lớn NĐT không muốn mất cơ hội. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra sốt đất, lợi nhuận cao là có mà người ôm trái đắng cũng không ít.
Bốn nguyên tắc khi đầu tư đất nền
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết thời gian vừa qua thị trường BĐS phát triển thiên về đất nền. Nếu đất nền phát triển quá nóng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng khi đất nền chỉ để đầu tư kiếm lời lướt sóng thì sẽ không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh.
“Một phần nguyên nhân là do buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi” - ông Hà nói.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương cho thấy thị trường đã xuất hiện bong bóng cục bộ. Giá đất nền các khu vực liên tục tăng theo các dự án. Đáng nói là giá nhà đất tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, khi đầu tư đất nền, NĐT phải lưu ý những quy tắc quan trọng nếu không muốn bị chôn vốn, dính rủi ro pháp lý…
Thứ nhất, quy tắc nước chảy chỗ trũng, thông thường giá BĐS tăng mạnh ở các khu vực có dân số tăng nhanh, có động lực tăng trưởng kinh tế vùng, hạ tầng khơi thông. Thứ hai, quy tắc vết dầu loang, dân cư sẽ tràn ra sống ở các khu vực xung quanh trung tâm của địa phương hoặc trung tâm các siêu đô thị. Nghĩa là khu vực lựa chọn đầu tư phải có sinh khí, cách 5-7 km phải có chợ, bệnh viện, trường học, cụm dân cư hiện hữu… Tránh đầu tư vào các khu đất quá tách biệt vì có khi hàng chục năm sau vẫn chưa có người ở.
“Thứ ba, NĐT phải xem xét quy tắc thanh khoản. Thăm dò thị trường về giá và mức độ tăng trưởng về dân cư, đến văn phòng công chứng để xem giao dịch có thật sự cao hay không” - ông Tuấn chia sẻ.
Quan trọng nhất vẫn là pháp lý an toàn. Người mua phải chọn đất có sổ hồng và không vướng quy hoạch. Đối với các loại đất khác thổ cư như đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm cần kiểm tra khả năng lên thổ cư vì có thể chôn vốn, thậm chí không thanh khoản được.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, cho rằng NĐT nên tránh BĐS “mồ côi” mà hãy mua BĐS “sáng đèn”. Khái niệm “mồ côi” để chỉ những lô đất, dự án nằm đơn lẻ, không có tính kết nối, không có gì xung quanh trong bán kính khoảng 1 km.
Theo ông Quang, BĐS mua được thì phải ở được, bán được. NĐT hãy tránh những dự án dù được dán mác cao cấp nhưng xung quanh không có tiện ích hay hạ tầng kết nối nào.
80% sàn giao dịch bất động sảnđãhoạt động trở lại
Bộ Xây dựng cho biết tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 80% số sàn giao dịch BĐS đã hoạt động trở lại. Bên cạnh đó còn có thêm nhiều sàn mới được thành lập.
Để đảm bảo thị trường trong thời gian tới phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS, hoạt động sàn giao dịch, hoạt động môi giới BĐS.
Đồng thời, bộ cũng kiến nghị xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch và hoạt động môi giới vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.