Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ sáng 25-5, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong vấn đề giải ngân đầu tư công chậm khi đã được nêu ra tại nhiều kỳ họp.
Bên cạnh đó, theo bà Bé, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 347.000 tỉ đồng cũng rất chậm khiến lãnh đạo địa phương rất tâm tư, lo cho vấn đề này và phản ảnh nếu không triển khai sớm sẽ bị nói triển khai không kịp, đầu tư không giải ngân kịp.
Từ đó bà đề nghị Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện cho tốt gói hỗ trợ đó để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bên cạnh đó, bà phản ảnh việc khi nắm tình hình về bảo hiểm y tế thấy vấn đề thuốc điều trị cho người bệnh trong lĩnh vực y tế không đáp ứng được yêu cầu. Trong đó danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cụ thể nhưng bác sĩ, cơ quan điều trị nói không có, người dân đi mua ở ngoài nhưng không thanh toán được.
"Rắc rối này là giữa bảo hiểm xã hội và cơ sở điều trị là ngành y tế chưa phối hợp chặt chẽ từ việc đấu thầu thuốc dẫn đến bức xúc của người dân tham gia bảo hiểm y tế. Vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế nhưng chăm lo cho người tham gia gặp rất nhiều khó khăn", bà Bé nêu.
Nêu ý kiến tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6-6,5%. Nếu cộng cả phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 8-8,5%. “Đây là thách thức rất lớn”, ông Huệ nêu.
Cũng theo ông Huệ, hiện chi ngân sách vô cùng khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “rất thấp”. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong khi gói hỗ trợ kích thích nền kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào” vì hôm qua 24-5, Chính phủ mới gửi danh mục dự án.
“Đặc biệt 14.000 tỉ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Rồi chương trình “sóng và máy tính cho em”, tiền có sẵn mà không tiêu được”, ông nói và băn khoăn không biết lý do là gì vì thể chế không vướng.
Trước ý kiến của bà Bé, ông Huệ nói thêm không chỉ thuốc phòng chống COVID-19 mà thuốc thông thường khác cũng thiếu vì không dám mua dù ngân sách có.
“Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái là một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Không hiểu lý do vì sao”, ông Huệ cho rằng vấn đề này phải làm rõ.
Ông dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600.000 tỉ đồng do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền.
"Đây là vấn đề Chính phủ, Quốc hội băn khoăn. Có người nói, tôi cũng hay nói cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn, Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn tắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm, vướng mắc giờ không chi tiêu được ngân sách và lo nhất là gói kích thích kinh tế 347.000 tỉ đồng cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế… chưa phân bổ được đồng nào.
“Chúng ta phải bàn vì sao lại thế này”, ông Huệ đặt vấn đề và cho rằng phải chăng là khâu chuẩn bị đầu tư.
"Vừa qua liên quan đến mua sắm, có tỉnh mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào hội đồng nhưng mời thế có khi chả hợp lý đâu. Ý ở đây là muốn cho minh bạch nhưng vẫn không mua sắm, chi tiêu được, lạ thế?", ông Huệ dẫn chứng.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong mua sắm, thể chế không vướng gì, thậm chí còn cho cơ chế đặc thù, đặc cách, chỉ định thầu.
“Mở hết cỡ rồi, sao không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu. Mong các đại biểu Quốc hội góp ý, hiến kế”, ông Huệ nêu thêm.
TTO - Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, đánh giá những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản trong và ngoài nước.