Đó là quan điểm của bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu – Công ty Quản lý Quỹ Vincapital, đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững” do báo Người lao động tổ chức sáng 25-5.
Nhà đầu tư ngoại tranh thủ hốt hàng
Đứng từ góc độ của một công ty quản lý quỹ, bà Thu cho rằng: Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Sự hấp dẫn này đến từ việc nền kinh tế của Việt Nam đang dần phục hồi sau dịch và tăng trưởng ổn định trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của nước ra diễn ra trong bối cảnh ổn về lãi suất cũng như sự ổn định của VNĐ và lạm phát được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức 15-20% trong những năm tới.
Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến sự bán tháo trên diện rộng do những thông tin bất lợi của một số doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ hiểu rằng với bất cứ sự thanh lọc nào trên thị trường đều tốt cho dài hạn.
Do đó, các nhà đầu tư ngoại không hề nao núng, thậm chí tính từ đầu năm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở mức 135 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tháng 4 thời điểm mà nhà đầu tư trong nước đua nhau tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, thì chính những nhà đầu tư ngoại lại mua ròng với giá trị khoảng 170 triệu USD.
"Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước đang định giá cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn với P/E chỉ 10,6 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm tới. Đây là điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Doanh nghiệp niêm yết đang được định giá ở vùng vô cùng hấp dẫn. Nhìn chung, với quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài, tôi thấy thị trường Việt Nam tiềm năng cả trong dài và ngắn hạn" - bà Thu nói.
Khi nhà đầu tư trong nước bán tháo thì nhà đầu tư nước ra sức mua ròng |
Cần cấm lãnh đạo DN tiết lộ về xu hướng "bơm thổi" giá cổ phiếu
Bà Thu cho rằng, để thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới phát triển lành mạnh, thì cần có cơ chế kiểm soát và giám sát đối với các thành viên thị trường cũng như với các giao dịch niêm yết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch Chứng khoán cần có cơ chế theo dõi để phát hiện các biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu doanh nghiệp giải trình.
Trong trường hợp nghiêm trọng như một mã chứng khoán nào đó có chuỗi phiên tăng trần liên tục trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không có gì đột biến, thì UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán có thể cho ngừng giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp đó trong một khoảng thời gian nhất định để điều tra.
Bởi việc một cổ phiếu tăng trần liên tục trong khi doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh nào tăng trưởng đột biến thì chỉ có 2 lý do thôi. Thứ nhất, đã có giao dịch nội gián, tức là có thông tin gì đó được tiết lộ cho một nhóm nhỏ các nhà đầu tư trên thị trường. Thứ hai, có hoạt động bơm thổi giá cổ phiếu để cho một vài nhóm nhỏ nhà đầu tư trục lợi.
Do đó, các cơ quan chức năng phải nghiêm túc nhìn nhận lại và có cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với trường hợp cổ phiếu biến động giá bất thường này.
Ngoài ra, cần phải có quy định rõ hơn về thông tin nội gián và thông tin trọng yếu cùng với việc ra cơ chế để chia sẻ thông tin từ phía doanh nghiệp sao cho công bằng và bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư.
"Ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián không được phép chia sẻ cho người này trước người khác mà chỉ được phép công bố một lần ra công chúng, thậm chí giao dịch nội gián có sẽ bị xử lý hình sự" - bà Thu nhận định.
Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có cơ chế quản lý và xử lý chặt chẽ đối với các thông tin nội gián, dẫn đến có một số doanh nghiệp niêm yết vì quan hệ thân thiết nên chỉ chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai. Đương nhiên, cách công bố như vậy không công bằng cho tất cả các nhà đầu tư và dẫn đến những biến động giá tăng giảm bất thường.
Theo bà Thu, để minh bạch hoá thị trường như nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam, cần phải xem xét đến việc không cho phép những người trong thành viên HĐQT của doanh nghiệp đưa ra bình luận về giá cổ phiếu cũng như xu hướng giá cổ phiếu của họ đang rẻ, sắp tăng giá... Bởi nói như vậy là có tính định hướng hoặc hàm ý chia sẻ những thông tin trọng yếu nào đó.
Đáng chú ý, chúng ta cần tách biệt hoàn toàn hoạt động phân tích – nghiên cứu ra khỏi nhóm tư vấn – tự doanh của các công ty chứng khoán. Nói cách khác, những người làm trong khối tư vấn – tự doanh không được phép gây ảnh hưởng cho bộ phận phân tích và ngược lại.
Song song với việc làm cho trong sạch, minh bạch hơn trên thị trường chứng khoán thì cũng cần phải làm tương tự đối với thị trường trái phiếu. Bởi thị trường trái phiếu cũng là kênh đầu tư quan trọng đối với các nhà đầu tư. Qua đó, để chứng khoán và trái phiếu là những kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam" - bà Thu nhấn mạnh.