Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội đáng lẽ phải đi vào hoạt động từ 2016, nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, hiện tại, năm 2022, TP Hà Nội lại tiếp tục xin điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2027 và xin tăng tổng mức đầu tư thêm 1.600 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư toàn dự án lên hơn 34.000 tỷ đồng. Đây là thông tin khiến rất nhiều người dân Thủ đô rất thất vọng.
Khởi công từ tháng 9/2010, nhưng phải hơn 10 năm sau, những căn nhà nằm trên ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội mới thực hiện xong đền bù giải phóng mặt bằng. Chậm giải phóng mặt bằng là bởi khó đạt được thỏa thuận giá đất đền bù cho người dân khi mức giá của Nhà nước với giá đất thị trường chênh lệch nhau quá lớn.
Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm liên động đoạn trên cao. (Ảnh: TTXVN)
"Nếu một tuyến tàu điện ngầm chậm thì là thiệt hại vô cùng lớn. Nếu chậm, ùn tắc giao thông một ngày thì Hà Nội mất bao nhiêu tỷ? 1 năm mất hàng nghìn tỷ, mất cái đó. Thứ hai là mất lòng tin", TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, đánh giá.
Đặc biệt hơn, khi Luật Xây dựng chỉ đền bù mặt bằng trên đất, còn phía dưới ngầm trong lòng đất…, những đoạn có metro ngầm đi qua phần móng các tòa nhà chưa có điều khoản nào nhắc đến việc đền bù. Đây là vấn đề khó khăn cốt lõi được nhìn thấy ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án.
"Đối với các tòa nhà trên ống hầm bị ảnh hưởng trong quá trình thi công thì lại chưa có cơ chế chính sách. Chính vì vậy vừa qua, UBND thành phố đã phê duyệt khung chính sách đền bù hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng khi máy TBM đào hầm đi qua khu vực của người dân", ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, nói.
"Liên quan đến vấn đề quản lý đô thị và vấn đề cấp phép xây dựng phải thay đổi. Không sau này chúng ta muốn làm tuyến đường đi qua đấy là chúng ta lại phải đục. Việc chúng ta mất 10 năm chỉ vì cái nhà ga C9, quá mệt mỏi, cuối cùng vốn đội lên rất lớn", KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, cho biết.
Hợp đồng FIDIC (tiêu chuẩn hợp đồng xây dựng quốc tế) cho phép chủ đầu tư và tư vấn tự quyết định xử lý các vướng mắc. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xây dựng, thẩm quyền xử lý là của chủ đầu tư (TP Hà Nội) và các Bộ, ngành trung ương.
Vướng mắc phát sinh nhiều, nhưng để xử lý phải trình nhiều cấp, rườm rà và mất rất nhiều thời gian. Toàn bộ dự án từ lâu đã tạm dựng thi công. Hai robot đào hầm đã nằm yên gần 1 năm không hoạt động và chắc chắn sẽ tiếp tục nằm chờ cho tới khi có các phương án tháo gỡ vướng mắc.
VTV.vn - Ban quản lý dự án kiến nghị tăng tổng mức đầu tư lên hơn 34.500 tỷ đồng, tức là tăng hơn 4.900 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.56441439152502202-nol-nov-iod-od-neit-mahc-ion-ah-ag-nohn-ortem/et-hnik/nv.vtv