Bắn cung được xác định là môn có thể giành huy chương ở Olympic nhưng lại thất bại ở SEA Games 31 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giành đến 22 huy chương vàng (HCV), 14 huy chương bạc (HCB), 8 huy chương đồng (HCĐ) và thống trị ngôi vị số 1 Đông Nam Á tại SEA Games 31, tuy nhiên nỗi buồn của môn thể thao "nữ hoàng" vẫn hiện hữu.
Đó là việc điền kinh Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trên bục cao nhất ở nội dung quan trọng nhất của điền kinh là các cự ly tốc độ 100m, 200m nam và nữ.
Khoảng trống mênh mông ở cự ly tốc độ
Những năm qua, điền kinh Việt Nam đã xuất hiện tài năng đặc biệt ở cự ly 100m, 200m nữ là "nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương. Sau khi Hương giải nghệ, điền kinh Việt Nam lại may mắn có được Lê Tú Chinh (TP.HCM).
Lê Tú Chinh từng giành 4 HCV SEA Games, trong đó có 3 HCV tại SEA Games 2017 là 100m, 200m, 4x100m tiếp sức. Tại SEA Games 30 Philippines 2019, Lê Tú Chinh cũng xuất sắc vượt qua đối thủ nhập tịch của Philippines để giành HCV cự ly 100m sở trường.
Nhưng trước thềm SEA Games 31, Tú Chinh bất ngờ bị chấn thương đầu gối và phải phẫu thuật. Với việc phải phẫu thuật, sau khi hồi phục cũng không biết cơ hội trở lại đỉnh cao của Tú Chinh sẽ ra sao.
Tại SEA Games 31 trên sân nhà, do vắng Tú Chinh, điền kinh Việt Nam không giành được bất cứ HCV nào ở cự ly tốc độ 100m, 200m.
Trên đường chạy 100m nữ, vận động viên (VĐV) Kayla Maico (Philippines) về nhất với thành tích 11 giây 60. Trong khi đó, Hoàng Dư Ý (18 tuổi) của Việt Nam chỉ về thứ 6/8 VĐV tham dự chung kết với thời gian 11 giây 94.
Trên đường chạy 200m nữ, HCV thuộc về VĐV Pereira Veronica Shanti (Singapore) với thời gian 23 giây 52. Và Hoàng Dư Ý cũng chỉ về thứ 6/8 VĐV với thời gian 24 giây 50.
Trước đó, thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Lê Tú Chinh trên đường chạy 100m là 11 giây 40 tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018.
Trên đường chạy 100m và 200m nam, các VĐV nam của Việt Nam nhiều năm qua không thể chạm tới HCV vì khoảng cách quá xa với các VĐV trong khu vực. May mắn trên đường chạy 200m nam, VĐV Ngần Ngọc Nghĩa (23 tuổi) đã giành được HCB với thời gian 20 giây 74.
Trên đường chạy 100m chung kết, Nghĩa chỉ về thứ 5/8 VĐV với thời gian 10 giây 64. Điền kinh Thái Lan hoàn toàn nổi trội trên đường chạy 100m, 200m nam với VĐV tài năng 16 tuổi Puripol Boonson. Anh giành HCV 100m với thời gian 10 giây 44, HCV 200m với 20 giây 37, phá kỷ lục SEA Games.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 - cho biết dù giành thành tích kỷ lục 22 HCV SEA Games nhưng cự ly ngắn vẫn là "lỗ hổng" của điền kinh Việt Nam.
Hiện chúng ta rất thiếu VĐV chạy ngắn tài năng vì nhiều lý do. Bao giờ điền kinh Việt Nam có thể thống trị cả trên đường chạy ngắn, trung bình, dài và marathon thì mới có thể yên tâm được. Điền kinh Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện thành tích nội dung chạy ngắn.
Đội bơi nam - nữ bị "nghiêng"
Các nam kình ngư đã làm quá tốt ở SEA Games 31, nhưng việc Ánh Viên giã từ đội tuyển đã đưa đội bơi nữ Việt Nam trở lại vị trí trước đây khi hầu như không có khả năng cạnh tranh HCV. Năm 2013, Ánh Viên trở thành nữ kình ngư đầu tiên của Việt Nam đoạt được HCV ở SEA Games. Và cho đến nay, cô vẫn là cái tên duy nhất.
Sự xuất sắc quá mức của Ánh Viên tạo ra cảm giác bơi lội nữ Việt Nam rất hùng mạnh. Và ở kỳ SEA Games 31, khi không còn Ánh Viên, sự thật về bơi lội nữ của Việt Nam được phơi bày rõ rệt. Các nữ kình ngư Việt Nam đã thi đấu thế nào trong kỳ đại hội trên sân nhà?
Võ Thị Mỹ Tiên là cái tên sáng chói nhất khi giành 2 HCB ở các nội dung 800m tự do và 1.500m tự do, cùng 1 HCĐ nội dung 400m tự do. Kế đó là Lê Thị Mỹ Thảo với HCB 200m bướm. Thành tích này không quá tệ, đặc biệt khi Mỹ Tiên chỉ mới 16 tuổi, là một trong những ngôi sao trẻ đáng chú ý ở SEA Games này.
Nhưng so với đội bơi hùng mạnh của nam, bơi lội Việt Nam thực sự đang lâm vào tình cảnh "bên trọng bên khinh" trầm trọng, đặt một dấu chấm hỏi về khả năng đào tạo VĐV nữ của môn bơi. Ở nhiều môn thể thao khác (như điền kinh), VĐV nữ của Việt Nam luôn rất mạnh.
Bài học từ Nguyễn Diệp Phương Trâm - người từng được kỳ vọng sẽ nối bước Ánh Viên - cho thấy nền tảng đào tạo bơi lội nữ của Việt Nam có vấn đề. Và cũng vì vậy, không thể không e ngại rằng ngôi sao trẻ Mỹ Tiên sẽ không đi vào vết xe đổ này.
Bắn cung - dấu lặng tại SEA Games 31
Từng có 2 VĐV xuất sắc giành vé đến Olympic Tokyo 2020 là Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ nhưng bắn cung Việt Nam lại tay trắng HCV tại SEA Games 31. Đội tuyển bắn cung chỉ giành được 4 HCB và 1 HCĐ.
Trước khi SEA Games 31 diễn ra, thậm chí VĐV Nguyễn Hoàng Phi Vũ còn không được gọi vào đội tuyển dự SEA Games bởi thành tích bất ngờ giảm sút thê thảm. Dù có mặt tại SEA Games 31 nhưng Đỗ Thị Ánh Nguyệt cùng các đồng đội cũng không thể giành nổi HCV nào.
Bắn cung là môn thể thao Việt Nam ôm mộng đầu tư dài hơi, trọng điểm trong 5 - 10 năm tới, để giành vé đến Olympic và cạnh tranh huy chương. Điều này do có nguồn VĐV tốt, việc tiếp cận trang thiết bị tập luyện, HLV giỏi cũng thuận lợi.
Kế đến, bắn cung Hàn Quốc có trình độ hàng đầu thế giới và Việt Nam lại có quan hệ tốt với quốc gia này để có thể giúp đội tuyển sang đó tập huấn và thuê chuyên gia giỏi.
Ông Trần Đức Phấn cho biết đã yêu cầu bộ môn và ban huấn luyện đội tuyển bắn cung phải phân tích, tìm ra nguyên nhân bắn cung tại SEA Games 31. Phải tìm ra nguyên nhân thì mới có giải pháp vực dậy sau thất bại.
Cầu lông còn ai sau Tiến Minh?
Tiến Minh đã chơi một kỳ SEA Games để đời, có thể là kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp của anh. Ở tuổi 39, Tiến Minh đã vào đến bán kết nội dung đơn nam và sau cùng chỉ thua sát nút 21 - 23 trong ván thứ 3 trước Loh Kean Yew hùng mạnh.
Nhưng những giọt mồ hôi của Tiến Minh cũng đặt ra một câu hỏi: Tại sao cầu lông bao năm qua vẫn phải trông chờ vào một lão tướng như anh để đương cự với các tay vợt hùng mạnh trong khu vực?
Cầu lông là bộ môn mà Đông Nam Á có nhiều VĐV đẳng cấp nhất thế giới. Hiện nhiều tay vợt của Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia đang trong top 20 thế giới.
TTO - Vỏn vẹn 1 tấm huy chương đồng, thành tích quá đỗi nhỏ bé trong 'cơn bão' huy chương của đoàn thể thao nước nhà. Nhưng nếu bình chọn đâu là khoảnh khắc 'thể thao' nhất SEA Games 31, không thể bỏ qua sự kiện 'Ngọc Hoa'.
Xem thêm: mth.5942432252502202-gnav-oab-noc-gnort-gnoh-ol-gnuhn-13-semag-aes/nv.ertiout