Sản xuất gồng lỗ
Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc DN xuất khẩu đá ốp lát tại Thanh Hoá cho biết, giá xăng dầu tăng liên tiếp cộng thêm tình trạng khan hiếm vỏ container đã khiến chi phí vận chuyển một container đá ốp lát xuất khẩu từ nhà máy tại Thanh Hoá sang châu Âu tăng tới 7 lần.
“Chi phí vận chuyển tăng chóng mặt khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động. Có container đá ốp lát xuất sang châu Âu, đối tác gặp trục trặc, tôi đành tặng luôn họ vì chi phí lưu kho, vận chuyển hàng trở về còn cao hơn giá bán container đá đó. Chi phí vận tải tăng quá cao nên công ty chúng tôi xác định cố duy trì được ngày nào biết ngày ấy”, ông Quảng nói.
Giá xăng tăng mạnh, để bù đắp chi phí, nhiều DN vận tải áp dụng tính vào giá bán các loại hàng hoá. Ông Nguyễn Văn Hồi, Giám đốc DN cung cấp vật liệu xây dựng tại Hà Nam cho biết, cuối năm 2021, giá bán mỗi m3 đá vật liệu xây dựng là 1,1 triệu đồng nhưng tới nay đã tăng lên tới 1,3 triệu đồng/m3. Theo ông Hồi, giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển tăng, buộc DN tăng giá bán.
Doanh nghiệp sản xuất xi măng tăng giá bán ra sau khi giá xăng dầu liên tục tăng cao
Cũng như các mặt hàng khác, giá xăng dầu tăng khiến giá xi măng cũng tăng chóng mặt. Mới đây nhất, hàng loạt doanh nghiệp thuộc Tổng Cty Xi măng Việt Nam như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn... thông báo tăng giá bán trong nước. Cụ thể, Vicem Bỉm Sơn thông giá bán xi măng bao rời tăng 70.000 đồng/tấn. Giá xuất khẩu xi măng và clinker cũng tăng 95.000 đồng/tấn.
Lãnh đạo Tổng Cty Xi măng Việt Nam thừa nhận, buộc phải tăng giá bán ra trong bối cảnh tiêu thụ xi măng đang gặp khó khăn. Ngoài xi măng, nhiều loại vật liệu xây dựng khác trên thị trường như cát đen tăng khoảng 5.000 đồng/m3, cát vàng thêm khoảng 20.000 đồng/m3; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3; giá sắt, thép dao động 19.800-20.000 đồng/kg...
Các mặt hàng trang trí nội thất nhà cửa cũng tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng Tư, cụ thể như các loại gạch men, đá ốp, sàn gỗ công nghiệp... tăng khoảng 50.000 đồng/m2; sơn nước tăng từ 70.000-100.000 đồng/thùng 18 lít...
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy sản Nghi Sơn cho biết, từ đầu năm, xuất khẩu thủy sản bắt đầu sôi động trở lại, giúp DN nhận được nhiều đơn hàng mới từ các thị trường. Tuy nhiên, khi sự hồi phục chưa kịp vui mừng, DN lại phải đối diện nỗi lo chi phí khi khi giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian gần đây.
“Từ khi giá xăng tăng, hơn 500 công nhân của công ty đã đề nghị DN trợ cấp tiền xăng, bởi số tiền tăng thêm đã lên đến vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Chưa kể, các chi phí vận chuyển hàng từ vùng nuôi về nhà máy, đánh bắt hải sản, chi phí container hằng tháng đều đồng loạt tăng cao, khiến DN rất áp lực”, ông Minh chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Hải Nam cho biết, thời gian qua, nguồn nguyên liệu thủy sản bị chững lại, một phần do biển động liên tục, phần khác do giá xăng dầu tăng đột biến khiến ngư dân không dám ra khơi vì lỗ. “Chúng tôi đã ký hợp đồng với các đối tác ngay từ đầu năm. Nhưng gần đây, tình hình giá cả trong nước thay đổi, DN đã phải tiến hành đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng giá bán nhưng vẫn chưa được đối tác đồng ý. Hợp đồng đã ký nên DN càng trở nên bị động khi nguồn nguyên liệu đầu vào phải mua của ngư dân với giá bị đẩy lên rất cao”, đại diện Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ.
Còn nhiều cách hạ nhiệt giá xăng
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 25/5, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, xăng dầu là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Đây là loại thuế cần giảm ngay. “Chúng ta nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với các mặt hàng xăng dầu. Chỉ riêng loại thuế này cũng giúp giá xăng giảm đến 2.500 đồng/lít”, ông Thế Anh nói.
Theo ông Thế Anh, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, nên ở góc độ quản lý, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô cũng tăng hơn so với dự toán nên cơ quan quản lý hoàn toàn có thể dùng số chênh lệch này đưa vào quỹ bình ổn như một cách để giảm giá xăng dầu. Nếu như trong dự toán giá xăng dầu chỉ 80- 90 USD/thùng thì giờ đây đã lên 120 USD/thùng. Phần thu vượt dự án cần bổ sung ngay vào quỹ xăng dầu. “Tôi đề nghị Quốc hội duyệt ngay. Việc này không làm ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách, bởi đây là nguồn thu vượt dự toán”, ông Thế Anh cho hay.
Ngoài ra, ông Thế Anh cũng cho rằng, các nguồn lực hỗ trợ kinh tế trong năm qua không giải ngân được giờ hoàn toàn có thể chuyển hết vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đây cũng là cách hạ nhiệt nhanh, để giúp cho các doanh nghiệp và người dân không phải chịu những cú sốc do giá tăng mạnh. Theo ông Thế Anh, xăng dầu tăng liên tiếp sẽ kéo theo tác động tăng giá trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Xem thêm: mth.4231158062502202--teihn-ah-oan-hcac-uad-gnax-aig-iv-oad-oal-peihgn-hnaod/nv.ahos