“Tôi đã từng có thời kỳ làm thanh tra, ít nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này” - trong tư cách đại biểu dân cử, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều nay, 26-5, tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM. Đây là dự án luật vừa được Chính phủ trình bày với Quốc hội lúc sáng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.MINH |
Với trải nghiệm ấy, Chủ tịch nước cho hay ông ủng hộ tiếp tục tổ chức thanh tra theo hệ thống hành chính như hiện nay, tức duy trì thanh tra cấp huyện - vấn đề đang còn ý kiến khác nhau.
“Chúng ta đang nói việc phân cấp, giao quyền rất lớn cho địa phương nhiều nội dung của quản lý nhà nước, do vậy cần có bộ máy để kiểm tra, đôn đốc...” - ĐB Phúc nói nói.
Về tổ chức thanh tra theo ngành, lĩnh vực, ông cũng đồng tình với đề xuất thành lập thanh tra tổng cục, cục. “Đã quản lý nhà nước thì phải có thanh tra. Tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước thì phải có thanh tra. Tôi ủng hộ, nhưng bộ máy làm sao cho gọn nhẹ”.
Tuy nhiên, với thanh tra sở, Chủ tịch nước cho rằng “ít có vụ việc Thanh tra sở làm được”, thường “ngồi chơi, xơi nước”. Vậy nên tính toán kỹ để tổ chức này gọn nhẹ nhưng có hiệu lực.
Dư luận có câu truyền miệng về thanh tra "cứ có phong bì là lại thank you". Đây cũng là vấn đề Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trăn trở.
“Tại sao thanh tra không giải quyết được một số việc? Vì đoàn thanh tra quá dễ dãi trong việc tiếp xúc với các đối tượng thanh tra. Nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ đoàn thanh tra thì khó có thể phát hiện ra những vấn đề lớn của thanh tra”. Chủ tịch nước nói và cho biết khi còn là Thủ tướng đã ý kiến với Tổng Thanh tra Lê Minh Khái lúc ấy, giờ là Phó Thủ tướng, rằng phải tăng cường quản lý đoàn thành tra.
“Đoàn thanh tra lỏng lẻo, đơn giản, tự do giao du, đơn giản trong quản lý thì không được” - ông Phúc nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Đ.MINH |
Ở góc nhìn cơ sở, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho hay 10 năm giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bà nhận thấy lực lượng thanh tra y tế cấp Sở chỉ đủ để thanh tra nội bộ phòng chống tham nhũng. Còn dùng thanh tra như công cụ quản lý y tế trên địa bàn là không xuể.
“Có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hai mấy năm chưa bao giờ thấy thanh tra. Chúng ta đôi khi phó mặc... Thanh tra dược có 5 ông mà 6.000 nhà thuốc, không biết làm kiểu gì. Thanh tra y cũng cỡ đó” - bà Phong Lan nói.
Nhận xét lực lượng thanh tra quận, huyện cũng rất mỏng, ĐB Lan cho hay từng từng đặt hi vọng vào mô hình thanh tra liên ngành. Nhưng thực tế, mô hình này lại có hạn chế về mặt chuyên môn. "Anh em rất nhát tay vì bản thân họ không được đào tạo kỹ về nghiệp vụ thanh tra này” - vẫn lời bà Lan.
Ngoài ra, bà Phong Lan cũng nhận xét việc “thanh tra theo kế hoạch là cái hết sức phi lý”. “Chúng ta làm công văn gửi đơn vị, thông báo thời gian sẽ tiến hành thanh tra họ. Rõ ràng điều này là không thực tế, không thực sự ngăn chặn được vi phạm”- bà Phong Lan nhận xét.
Cũng như vậy, dù chủ trương hoạt động thanh, kiểm tra không chồng chéo, không gây phiên hà cho doanh nghiệp, chỉ thanh tra mỗi đơn vị, mỗi năm 1 lần là đúng. Nhưng để chặt chẽ, theo bà Lan, cần quy định rõ việc này chỉ áp dụng với thanh tra theo kế hoạch. Còn khi có dấu hiệu vi phạm thì vẫn thanh tra đột xuất, xử lý như bình thường.
Với tinh thần ấy, nữ đại biểu TP.HCM đề nghị lần sửa luật này cần tạo nhận thức toàn xã hội là bất cứ hoạt động gì, không phải cứ được cấp phép là xong, mà luôn có một sự giám sát của cơ quan nhà nước, luôn có một cặp mắt vô hình đang theo dõi để không ai dám làm bậy.