Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 26/5.
Bà Hằng cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ để giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân, và chuỗi siêu thị của hai bên sang tìm hiểu thị trường để xúc tiến thương mại song phương và đạt được kết quả rất tích cực.
Đối với quả vải, các cơ quan chức năng địa phương của Việt Nam và Trung Quốc đã tích cực phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ quả vải, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, thương nhân; đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin về quy định trong xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao hiệu suất trong thông quan, lưu thông hàng hoá trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của mỗi nước.
Ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến trực tuyến về tiêu thụ vải thiều với sự tham gia của 80 điểm cầu, có sự tham gia của các bộ, ngành, lãnh đạo uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả tại địa phương, các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có sự tham gia tích cực của một số địa phương của Trung Quốc ở các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên.
Vụ vải thiều dự kiến thu hoạch từ 25/5-25/7 năm nay. Các cơ quan chức năng Việt Nam, các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang, luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam thu mua vải. Đến nay đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc đã được giải quyết thủ tục nhập cảnh để đến Bắc Giang mua vải thiều.
Trung Quốc đến nay vẫn duy trì chính sách zero COVID , khiến nhiều doanh nghiệp tính chuyện rời đi. Có thông tin nói rằng các doanh nghiệp đang chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin này, bà Hằng cho biết: Với chủ trương coi đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn lực rất quan trọng và là động lực để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam luôn quan tâm việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến kinh doanh, sản xuất lâu dài tại Việt Nam.
Thời gian qua, nhằm thúc đấy sản xuất kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tạo dựng sự tin tưởng và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Bà Hằng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp nhằm tăng năng suất sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả, chất lượng cao, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của Việt Nam, trong đó ưu tiên những dự án có công nghệ tiên tiến, có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có giá trị lan toả, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Theo Bình Giang
Tiền Phong