Theo Cục CSHS, qua công tác quản lý nghiệp vụ, đơn vị phối hợp với Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện nhóm đối tượng giả danh Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự đã giao Phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài phối hợp Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc điều tra.
Từ những thông tin thu thập được, tổ công tác phát hiện các đối tượng đang có mặt ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), lập tức tổ công tác nhanh chóng có mặt tại nhà của đối tượng Tùng và Tiến. Tại đây, cơ quan Công an thu giữ 4 máy tính mà các đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm tài sản.
Tại cơ quan Công an, Mai Thanh Tùng khai nhận, do không có nghề nghiệp ổn định, lại có muốn tiền tiêu xài nên đối tượng đã lên mạng xã hội tìm hiểu các phương thức thủ đoạn lừa đảo. Do biết một số cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT phải có chứng chỉ PCCC, tháng 9-2021, Tùng bàn với Vũ Văn Tiến giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn gọi điện cho các cá nhân, công ty yêu cầu tập huấn để được cấp chứng chỉ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Tùng sẽ lên mạng Internet lấy thông tin về họ tên, số điện thoại, nơi cư trú của các cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT cần có chứng chỉ PCCC. Sau đó, Tùng cùng với Tiến mua nhiều sim điện thoại để gọi điện giả danh là cán bộ Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn yêu cầu các cá nhân, công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện tham gia tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ với thời gian tập huấn từ 3 đến 5 ngày và kinh phí từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng/người.
Nạn nhân trong vụ án là chị N.T.T (SN 1989), trú tại TP Thái Bình và anh P.V.T, trú tại tỉnh Bắc Giang, đều là chủ hộ kinh doanh cá thể. Sau khi có số điện thoại của chị N.T.T và anh P.V.T, Tùng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn, nói sắp tới có đoàn kiểm tra về công tác PCCC hỏi hộ kinh doanh có các thiết bị PCCC, đăng ký, chứng chỉ PCCC chưa? Nếu không có sẽ bị xử phạt, trường hợp nặng có thể thu hồi giấy phép kinh doanh...
Khi các bị hại nói chưa có, lập tức Tùng giới thiệu có quen biết lãnh đạo của Phòng Cảnh sát PCCC nơi mà bị hại cư trú; đồng thời cho số điện thoại để bị hại gọi đến để “lãnh đạo” hướng dẫn mà không cần đến cơ quan Công an. Các bị hại đã dễ dàng tin tưởng, gọi theo số điện thoại Tùng cho. Có trường hợp, Tùng đóng “hai vai”, giả vờ là “lãnh đạo”, có trường hợp thì Tùng giao cho Tiến nghe, hướng dẫn các bị hại, tham gia lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để được cấp chứng chỉ.
Để tạo lòng tin cho các bị hại, các đối tượng còn mua 1.000 bộ quần áo bảo hộ PCCC của anh T.V.T, quê ở Hà Nam với giá 125.000 đồng/1 bộ. Khi bị hại đồng ý tham gia tập huấn để được cấp chứng chỉ, Tùng đóng gói bưu phẩm 1 bộ quần áo bảo hộ PCCC, 1 quyển hướng dẫn PCCC và đến Bưu điện huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (đối tượng đã đăng ký mã gửi ship cod trước đó) gửi cho cá nhân, công ty. Sau khi các cá nhân, công ty nhận được bưu phẩm thì phải nộp ngay số tiền “lệ phí” tập huấn cho nhân viên chuyển phát nhanh và bưu điện sẽ trả tiền lại cho Tùng. Nhận được tiền, các đối tượng thay đổi số tiền thoại hoặc chặn liên lạc của người bị hại.
Với thủ đoạn trên, Tùng và Tiến đã lừa đảo hàng nghìn người với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra phát hiện và tạm giữ nhiều máy tính xách tay, điện thoại, quần áo bảo hộ PCCC và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an tiếp tục mở rộng làm rõ.
Xem thêm: lmth.596131_nas-iat-taod-meihc-oad-aul-ed-yahc-auhc-yahc-gnohp-ob-nac-hnad-aig/na-uv/nv.moc.nagnoc