Vỉa hè cạnh Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành nơi giữ xe, bán hàng rong - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đi vào thực tế vỉa hè đã "biến" thành bãi giữ xe máy xung quanh các bệnh viện lớn từ lâu nay, muốn trả lại vỉa hè liệu có dễ làm ngay? Giải pháp nào cho chuyện này?
Dẹp vỉa hè, xe gửi đâu?
Đầu năm 2017, vỉa hè cạnh một số bệnh viện tại TP.HCM được chính quyền địa phương lắp đặt rào chắn dành làm lối đi cho người đi bộ. Tuy nhiên, sau đó lối đi này đã thành nơi giữ xe máy.
Vỉa hè nhiều tuyến đường tại TP.HCM như Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều (cạnh Bệnh viện Chợ Rẫy), Lý Thường Kiệt (Bệnh viện Hùng Vương), Đặng Thái Thân (Bệnh viện Đại học Y dược), Tú Xương (Bệnh viện Mắt), Sư Vạn Hạnh (Bệnh viện Nhân dân 115)... đa số đều trở thành bãi giữ xe máy. Người đi bộ vô cùng bức xúc.
Vỉa hè tại đường Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều (quận 5) dài khoảng 400m, được bao bọc với lớp rào chắn cao khoảng 1,5m làm bằng sắt. Phía bên trong rào trở thành nơi giữ xe máy với giá khoảng 10.000 đồng/chiếc và luôn trong tình trạng chật chỗ.
Tương tự, vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt (bên cạnh Bệnh viện Hùng Vương) hay trên đường Đặng Thái Thân (Bệnh viện Đại học Y dược) cũng ken đặc xe máy, người đi qua đây phải luồn lách qua các hàng xe để vào bệnh viện thăm, khám bệnh hoặc buộc phải xuống lòng đường để đi.
Ông Nguyễn Ngọc Lý (64 tuổi, Đồng Nai, đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám) cho biết: "Xe ở đây quá đông, mỗi lần đi xuống lòng đường là một lần thót tim". Còn anh Nguyễn Tấn Vinh (ngụ phường 12, quận 5) cho biết không chỉ vỉa hè bị chiếm dụng mà dọc phía ngoài rào chắn cũng thành nơi bán hàng rong, đi ngang qua thật khép nép để không bị xe cộ va quẹt trúng.
Thực tế, các bãi giữ xe này đã góp phần cải thiện tình trạng quá tải chỗ giữ xe của một số bệnh viện. Đặc biệt tại các bệnh viện có mật độ đông như Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. "Giờ dẹp bãi xe vỉa hè, tôi mong cơ quan chức năng quy hoạch và tổ chức các bãi giữ xe bệnh viện. Bãi xe không đủ chỗ, lại cấm giữ ở vỉa hè, người dân không biết để xe ở đâu", một người nuôi bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.
Phường cũng gặp khó
Ông Trần Phương Nam - chủ tịch UBND phường 12, quận 5 - cho biết hàng rào chắn xung quanh bệnh viện Chợ Rẫy và Hùng Vương đã có từ lâu. Hiện nay lối đi dành cho người đi bộ phía ngoài, còn phía trong là bãi giữ xe máy. Theo ông Nam, mục đích của việc làm hàng rào là để ngăn tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè. Sau đó, vỉa hè được trưng dụng để làm bãi giữ xe cho người dân đến khám, chữa bệnh. Các bãi giữ xe phải để lối cho người đi bộ, có thể đi giữa hàng xe hoặc phía bên ngoài (rộng khoảng 1,5m) tùy vị trí.
"Những bãi giữ xe trên vỉa hè này là của một doanh nghiệp và đã được cấp phép tạm thời, cứ mỗi 3 tháng cấp lại theo quy định của Sở Giao thông vận tải TP. Phường yêu cầu không được để xe quá nhiều, chiếm dụng hết vỉa hè. Tuy nhiên, có lúc xe đông quá nên họ dạt ra bên ngoài", ông Nam khẳng định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - chủ tịch UBND phường 11, quận 5 - cho biết Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là một trong những bệnh viện lớn ở thành phố. Bãi xe ở tầng hầm bệnh viện này không đủ đáp ứng nhu cầu. Bệnh viện cũng đã tận dụng bãi giữ xe của Trường đại học Y dược TP.HCM sát bên nhưng không đáp ứng đủ.
Do đó, những bãi xe quanh bệnh viện được hình thành. "Nói là phường cho phép thì không hẳn đúng, nhưng nếu cấm luôn các bãi giữ xe này thì những người dân đến đây khám bệnh để xe ở đâu? Đây là một vấn đề tồn tại rất lâu và khó giải quyết.
Từ lúc bệnh viện xây dựng đến nay, phường đã nhiều lần tổ chức các hội nghị về việc giữ xe, tuy nhiên diện tích bệnh viện cố định và bệnh viện cũng chưa tìm ra phương án thêm bãi xe. Địa phương đã từng tính toán xây một bãi xe 2 - 3 tầng nhưng chưa tìm được khu đất trống đủ rộng để thực hiện. Nếu làm bãi xe xa vị trí bệnh viện, người dân cũng sẽ không chọn gửi ở đó" - bà Vân cho hay.
Giải pháp từ phía các bệnh viện
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nói: Các khu vực phía ngoài hành lang phía ngoài bệnh viện không thuộc quản lý của bệnh viện mà thuộc quản lý của UBND phường. Hiện tại bệnh viện này đang cải tạo, xây mới lại nhà xe cho người bệnh và nhân viên.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh viện này có 3 bãi giữ xe cho người bệnh đến khám bệnh với sức chứa 2.000 xe, đáp ứng đủ yêu cầu giữ xe của người bệnh đến khám. Theo vị này, các bãi giữ xe tự phát xung quanh bệnh viện cản trở lối ra vào, lối đi, gây mất vệ sinh, mất an ninh trật tự khu vực trước cổng bệnh viện. Bệnh viện phải bố trí bảo vệ có mặt ngay trước cổng bệnh viện để hướng dẫn người gửi xe tại bãi xe của bệnh viện.
Khác với khung cảnh bát nháo, lấn chiếm vỉa hè lối đi của người đi bộ, một số bệnh viện tại TP.HCM quản lý chặt các bãi giữ xe, hành lang đi bộ để không có tình trạng lấn chiếm vỉa hè như Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Nhân dân Gia Định...
Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận đến hàng ngàn lượt bệnh nhân thăm khám nhưng không có tình trạng "bát nháo" bị lấn chiếm làm các bãi giữ xe, hàng rong. Bệnh viện có các quy định, hướng dẫn cho bệnh nhân không để xe phía ngoài và bố trí lực lượng bảo vệ để tăng cường nhắc nhở và hỗ trợ cho bệnh nhân.
"Hành lang đi bộ phía ngoài nằm ngoài khuôn viên của bệnh viện, vấn đề quản lý chủ yếu thuộc về chính quyền địa phương. Nhưng bệnh viện phải liên tục phối hợp với tổ trật tự của phường thường xuyên đi nhắc nhở, hỗ trợ. Bệnh viện đã lập một chốt bảo vệ, chốt này nằm tại khu vực có thể quan sát được từ nhiều phía để từ đó dễ dàng nhắc nhở cả tình trạng thân nhân và bệnh nhân dừng xe chắn lối đi bộ", vị đại diện này nói.
Giải pháp hiện tại là xe của các nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy được gửi ở Trường THPT Hùng Vương gần đó. Còn sau khi bệnh viện hoàn thành xây dựng, nâng cấp nhà gửi xe phía trong thì phường sẽ có giải pháp tiếp theo. Các bãi giữ xe bên ngoài có thể tháo dỡ. Sau đó, trên tinh thần vận động xã hội hóa để sử dụng vỉa hè, cải tạo mảng xanh tạo mỹ quan đô thị quanh bệnh viện.
TTO - Ngày 17-5, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, dừng xe đỗ xe sai quy định, gây cản trở giao thông trên các tuyến đường ở trung tâm TP.
Xem thêm: mth.68355532262502202-gnohk-coud-neiv-hneb-eh-aiv-ex-iab-ped/nv.ertiout