Sau dịch, bệnh nhân ung thư đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM rất đông - Ảnh: THU HIẾN
Tại Việt Nam, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
Thời gian gần đây do tác động của COVID-19 và các lệnh phong tỏa, giãn cách…, nhiều bệnh nhân ung thư trong đó có ung thư phổi đã bỏ qua thời gian vàng để điều trị. Theo các chuyên gia y tế, có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi đến khám đã ở giai đoạn di căn.
Chủ quan với các triệu chứng
BS Nguyễn Tuấn Khôi - trưởng khoa nội phổi - phụ khoa Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 trường hợp ung thư phổi, trong đó 80% bệnh nhân đã ở giai đoạn không mổ được vì đã di căn xa đến các cơ quan khác, hoặc xâm lấn quá nhiều tại lồng ngực.
Tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM), số bệnh nhân đến khám ung thư tại đây mỗi năm khoảng 34.000-35.000 lượt. Riêng năm 2021, do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, lượt khám giảm còn khoảng 28.000. Riêng số bệnh nhân ung thư phổi khoảng 5-10 ca mỗi ngày.
Ông N.H.H. (56 tuổi, TP.HCM) thấy mình có biểu hiện bị ho khan triền miên, ho suốt 3 tháng nhưng ông không hề đi khám bệnh mà ra nhà thuốc để mua thuốc ho uống. Sau 6 tháng, sức khỏe càng ngày càng suy kiệt, lại thêm ho ra máu và khó thở khiến ông hoảng sợ và đến bệnh viện khám. Qua chụp X-quang và CT scan cho thấy ông H. đã bị ung thư phổi giai đoạn 4 (có di căn gan). Các bác sĩ đã tiếc cho ông vì đã không đến bệnh viện thăm khám sớm hơn.
Các bác sĩ đã quyết định điều trị cho ông bằng thuốc nhắm trúng đích dạng uống. Sau 3 tháng uống thuốc, khối u đã giảm 50% và sau 6 tháng khối u đã giảm 90%. Các thuốc nhắm trúng đích đã cứu cho nhiều bệnh nhân ung thư phổi khỏi bệnh trong thời gian rất dài và đáng kinh ngạc.
BS Lâm Quốc Trung - Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - chia sẻ về một ca bệnh vào cuối năm 2021, một bệnh nhân đến khám vì triệu chứng ho và sụt cân. Người này không hút thuốc lá, bị tăng huyết áp 20 năm qua và cả đái tháo đường type 2. Do ho khan kéo dài nên xuất hiện tình trạng khó thở. Sau khi làm các xét nghiệm thường quy và các xét nghiệm chuyên sâu, sinh thiết u phổi trái qua CT scan, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thùy trên phổi trái giai đoạn 4.
Bệnh nhân ung thư đang được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
80% bệnh nhân đã bị di căn
BS Khôi cho biết thêm tỉ lệ số ca mắc mới ung thư phổi tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm có nhiều nguyên nhân. Trong đó hai nguyên nhân rõ nhất là trình độ chẩn đoán của y học đã nâng cao, ý thức của người dân đến khám bệnh đã tăng lên, dẫn đến số người được chẩn đoán bệnh cũng tăng. Trước 2005 chưa có chụp CT scan, nay thì hầu hết các bệnh viện đều có, kết hợp nhiều thiết bị chẩn đoán hiệu quả hơn.
Ung thư phổi đa số có liên quan đến hút thuốc lá, tại Việt Nam tỉ lệ người hút thuốc có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo BS Khôi, trong khoảng thời gian cao điểm dịch tại TP.HCM (từ tháng 4 đến tháng 12-2021) do áp dụng các lệnh phong tỏa, ước tính có 70-80% bệnh nhân ung thư không thể tái khám đúng hẹn, việc điều trị bị trì hoãn khiến bệnh nặng hơn và tăng giai đoạn bệnh.
Việc tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư cho những người bình thường cũng không thực hiện được. Một số trường hợp tình cờ phát hiện ung thư phổi do bệnh nhân mắc COVID-19, được chụp hình phổi để kiểm tra và "ra" thêm bệnh.
Những triệu chứng thường gặp của ung thư phổi là ho kéo dài hơn 1 tháng, đau ngực, mệt - khó thở, ho ra máu. Nếu có các triệu chứng trên thì phải đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác. Đôi khi bệnh nhân phát hiện ung thư phổi nhờ… triệu chứng ở những cơ quan mà ung thư phổi di căn đến, như não (bệnh nhân hôn mê, liệt nửa người, nhức đầu), di căn cột sống (đau cột sống, yếu liệt hai chân), di căn hạch (sờ thấy khối ở vùng trên xương đòn).
"80% ung thư phổi liên quan đến hút thuốc. Nếu không ai hút thuốc thì gánh nặng ung thư phổi sẽ giảm đi 80%. Hãy tìm mọi cách để bỏ hút thuốc, nếu chưa hút thuốc thì đừng bao giờ tập hút thuốc. Hiện nay ngoài các thuốc điều trị đích, chúng ta còn có các thuốc điều trị miễn dịch rất hiệu quả. Cách đây 20 năm, điều trị ung thư phổi giai đoạn đã di căn thì chỉ có hóa trị với tác dụng phụ nhiều và nặng, hiệu quả không cao, nhưng hiện nay nhờ các thuốc mới hiệu quả có khá hơn", BS Khôi nói.
BS Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết hiện các phương pháp điều trị ung thư phổi ngày càng phát triển mạnh, điều quan trọng nhất là phải xét nghiệm được loại ung thư phổi nào để có thuốc điều trị phù hợp.
"Đối với các loại thuốc điều trị ung thư phổi, phần lớn hiện nay đã được bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên các thuốc mới và đắt tiền vẫn là rào cản đối với bệnh nhân, vì thu nhập của người bệnh tại Việt Nam chưa được cao. Muốn phát hiện sớm ung thư phổi phải có chương trình tầm soát, hiện nay các kỹ thuật cao, xét nghiệm chuyên sâu thường chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Hiện bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho việc tầm soát các loại ung thư, chúng tôi cũng mong bảo hiểm cập nhật thêm các danh mục thuốc điều trị ung thư phổi, chi trả thêm cho các xét nghiệm chuyên sâu", BS Nguyễn Triệu Vũ nói.
Ô nhiễm không khí có gây ung thư phổi?
Ngoài nguyên nhân chính hút thuốc lá, theo số liệu mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí hiện đang ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trong khu vực châu Á. WHO ước tính cứ 10 người trên thế giới có 9 người đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) và không khí trong hộ gia đình (bên trong).
TTO - Các tổ chức và chuyên gia tại Anh lo ngại nhiều người có thể bị nhầm lẫn ung thư phổi thành COVID-19, bởi các triệu chứng tương đồng như ho dai dẳng, khó thở và uể oải.
Xem thêm: mth.90671023262502202-noum-neiv-hneb-ned-nahn-hneb-hnahn-gnat-iohp-uht-gnu/nv.ertiout