Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple thông báo cho các nhà cung ứng lắp ráp khoảng 220 triệu iPhone trong năm nay. Trong khi đó, giới phân tích dự báo hãng sẽ sản xuất gần 240 triệu iPhone do kỳ vọng vào mẫu iPhone 14 ra mắt mùa thu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp di động có một khởi đầu khó khăn và sản lượng cũng vì thế giảm đi.
Lạm phát tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ, cuộc chiến tại Ukraine và biến động chuỗi cung ứng – tất cả đều đe dọa doanh số thiết bị năm 2022. Hãng nghiên cứu Strategy Analytics ước tính doanh số smartphone nói chung sẽ giảm khoảng 2% trong năm, còn TrendForce đã hai lần hạ dự báo sản lượng cả năm chỉ trong vài tuần gần đây.
Apple không tiết lộ mục tiêu sản xuất và ngừng công bố doanh số iPhone cụ thể từ năm 2019.
“Táo khuyết” đã cảnh báo các vấn đề cung ứng sẽ khiến doanh số thiệt hại khoảng 4 đến 8 tỷ USD trong quý này, phần lớn do phong tỏa Covid-19 ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc . Ngành công nghệ cũng đang đối mặt với xu hướng tiêu dùng giảm khi giá dầu và nguyên vật liệu tăng, đẩy chi phí hàng hóa thiết yếu lên cao.
Trong quý I, lô hàng smartphone giảm 11%, mức sâu nhất từ khi đại dịch diễn ra 2 năm trước. Nguồn tin cho hay, Apple đặt cược vào nhu cầu “co giãn” đối với thiết bị của mình do nền tảng khách hàng tương đối giầu có và hệ sinh thái phần cứng, dịch vụ mạnh mẽ, bổ trợ cho phần cứng. Công ty cũng không gặp phải áp lực cạnh tranh lớn khi đối thủ Huawei không còn cửa trên thị trường. Huawei, nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới một thời, bị giảm doanh thu 6 quý liên tiếp.
Bên cạnh đó, Apple hi vọng thu hút khách hàng với mẫu iPhone có nhiều đột phá hơn so với mẫu năm ngoái. iPhone 14 được dự đoán trang bị kích cỡ màn hình mới và nhiều tính năng hay hơn như nhắn tin vệ tinh. iPhone 13 ra mắt năm 2021 chỉ được xem là bản nâng cấp không đáng kể.
Gần đây, công ty giới thiệu phiên bản mới của iPhone SE, hỗ trợ kết nối 5G, thúc đẩy chu kỳ nâng cấp của những khách hàng quan tâm đến giá.
Dù phong tỏa tại Trung Quốc sẽ tác động lớn đến Apple trong quý, công ty có thể vượt qua nghịch cảnh. Foxconn , một trong các nhà sản xuất iPhone chính, vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy, bao gồm tổ hợp nhà máy lớn nhất tại Trịnh Châu.
Nhu cầu smartphone thường suy giảm trong quý II, đồng nghĩa với ảnh hưởng của phong tỏa sẽ không nghiêm trọng. Các nhà cung ứng sẽ cố gắng bù đắp bất kỳ thiếu sót nào trong sản xuất vào cuối năm, khi họ tuyển thêm nhiều lao động cho mùa cao điểm, miễn là Trung Quốc mở cửa hoàn toàn và khôi phục các tuyến vận tải.
Giám đốc cấp cao Linda Sui của Strategy Analytics nhận định năm nay sẽ rất kịch tính. “Vấn đề địa chính trị, thiếu hụt linh kiện, lạm phát, biến động tỉ giá hối đoái và gián đoạn Covid sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường smartphone nửa đầu năm 2022, trước khi tình hình được xoa dịu trong nửa sau”.
Theo Du Lam
ICTNews
Xem thêm: nhc.52710109072502202-enohpi-gnoul-nas-gnat-gnohk-elppa-ohk-gnourt-iht/nv.zibefac