Đầu tháng này, hơn 1,4 triệu cư dân của Illinois (Mỹ) đã bắt đầu nhận được tấm séc trị giá 397 USD (khoảng 9,2 triệu đồng). Đây là khoản bồi thường cho vụ kiện Facebook tập thể trị giá 650 triệu USD. Theo các nguyên đơn, Facebook đã sử dụng bất hợp pháp dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của họ để gợi ý người dùng gắn thẻ bạn bè trong ảnh.
Theo một số chuyên gia, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều tấm séc trả cho người dùng Internet từ các vụ kiện về quyền riêng tư. Google Photos và Shutterfly cũng từng bị kiện tập thể về vấn đề tương tự. Hai công ty đã bước vào giai đoạn đồng ý và phê duyệt các khoản bồi thường trị giá hàng triệu USD trong năm qua.
Luật sư Paul Geller của Robbins Geller Rudman và Dowd LLP, một trong ba công ty đã giải quyết vụ kiện chống lại Facebook, cho biết: "Công nghệ đã đem đến những điều tuyệt vời trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, những thứ như nhận diện khuôn mặt vẫn có mặt tối của nó. Mọi người không nhận ra rằng mình đang bị ‘theo dõi’ nhiều như thế nào".
Ảnh: Internet.
Việc được tự động gắn thẻ trong ảnh có vẻ không phải là một vấn đề lớn, nhưng sau khi được gắn thẻ, khuôn mặt của bạn có thể hiển thị với các công ty bên ngoài nền tảng. Ví dụ, công ty phần mềm Clearview AI có trụ sở tại New York cho biết họ đã thu thập hơn 20 tỷ hình ảnh từ các trang web như Facebook, YouTube và Venmo để tạo thành một cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt khổng lồ cho những công ty trả tiền để mua chúng.
Matthew Kugler, giáo sư luật về quyền riêng tư tại Đại học Northwestern, chia sẻ: "Khi bạn đi bộ trên phố, mọi người đều có thể nhìn thấy khuôn mặt của bạn nhưng không phải ai cũng có thể biết tên tuổi và một số thông tin cá nhân khác.
Khả năng liên kết khuôn mặt với thông tin cá nhân của công nghệ hiện nay có thể khiến mọi người dễ bị quấy rối hay thậm chí là nguy hiểm về tính mạng (đối với người nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng)".
Ảnh: Internet.
Vào năm 2019, Kugler từng công bố nghiên cứu cho thấy người Mỹ không muốn bị các mạng xã hội hay ứng dụng "theo dõi" như vậy. Cụ thể, hơn 70% người tham gia cho biết họ không thoải mái với việc các công ty sử dụng nhận diện khuôn mặt để biết được vị trí và từ đó hiển thị quảng cáo phù hợp. Một điều thú vị là hầu hết những người tham gia không tỏ ra lo lắng về việc chấm vân tay tại nơi làm việc.
Kugler nói: "Không phải mọi người coi trọng hay không coi trọng quyền riêng tư sinh trắc học mà là ý nghĩa của việc coi trọng quyền riêng tư thay đổi rất nhiều, tùy ngữ cảnh. Chúng ta vẫn có thể dùng cùng công nghệ đó cho những mục đích không gây hại và vẫn mang lại kết quả".
Các vụ kiện kéo dài về vấn đề quyền riêng tư của người dùng đã bắt đầu có tác động. Đầu tháng này, Clearview AI đồng ý ngừng cấp quyền truy cập của một số công ty ở Mỹ vào cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của mình. Trong khi đó, người dùng Facebook và Instagram ở Illinois và Texas đã không thể truy cập tính năng "bộ lọc khuôn mặt" nữa.
Theo Kugler, thời gian tới, có thể sẽ có thêm nhiều vụ kiện và thỏa thuận tương tự ở các bang của nước Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, một bộ phận người dùng có khả năng sẽ nhận được tiền như hàng triệu cư dân của Illinois.
Nguồn: CNBC
http://tintuc.vdong.vn/05/1365345.htmMộc Tiên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế