Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: QUOCHOI.VN
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, chiều 27-5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Quốc hội.
Theo tờ trình, dự luật lần này sửa đổi, bổ sung quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.
Theo đó, người có hành vi bạo lực có thể bị buộc chấm dứt ngay hành vi bạo lực, cấm tiếp xúc, yêu cầu đến trụ sở công an xã hoặc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, bảo vệ người bị hại theo pháp luật tố tụng hình sự.
Dự luật quy định công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an và người được yêu cầu phải chấp hành. Việc bổ sung quy định nhằm khắc phục bất cập thời gian qua người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành chấm dứt hành vi bạo lực khi có yêu cầu.
Mặt khác, việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Xã hội cho rằng dự luật quy định chỉ khi được phân công, công an cấp xã mới có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở. Để mang tính răn đe cao, ủy ban này đề nghị quy định theo hướng khi nhận được tin báo tố giác về bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình phải đến trụ sở.
Cũng theo dự luật, chủ tịch UBND cấp xã được quyền ra quyết định cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc và hành vi bạo lực gây tổn hại hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực suốt thời gian cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, nếu vi phạm sẽ bị tạm giữ. Người bị bạo lực được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc.
"Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bỏ quy định người bị bạo lực gia đình phải viết đơn đề nghị áp dụng cấm tiếp xúc để thay bằng quy định yêu cầu để vừa bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bạo lực gia đình, vừa giảm thủ tục hành chính viết đơn gây khó khăn cho người bị bạo lực gia đình.
Nội dung quy định còn trao cho người có hành vi bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian thực hiện cấm tiếp xúc", ông Hùng giải thích.
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình
Dự luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về báo tin, tố giác về bạo lực gia đình và xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình. Theo đó, mọi cá nhân khi phát hiện dấu hiệu bạo lực gia đình có khả năng báo tin phải báo tin, tố giác đến các địa chỉ có thẩm quyền.
Chính phủ quyết định có tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực gia đình…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng không báo tin bạo lực gia đình hoặc xử lý tin báo không đúng quy định. Khắc phục điều này được kỳ vọng làm tăng tỉ lệ người bị bạo lực gia đình tìm kiếm sự hỗ trợ từ cơ quan, đoàn thể ở cộng đồng khi bị bạo lực.
TTO - Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh hiện nay các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn.