Cao tốc Bến Lức - Long Thành được kết nối đường vành đai 3 tại huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Các địa phương có chậm giải ngân vốn đầu tư công liệt kê hàng loạt lý do về thủ tục, giá cả, dịch bệnh... nhưng theo tổ công tác, cũng cần nhìn thẳng vào những nguyên nhân chủ quan để có giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án trong thời gian tới.
Nếu có giải pháp mạnh thì sẽ có kết quả tích cực hơn, nếu không sẽ chậm thay đổi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Các địa phương nêu đủ lý do
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết đến nay tỉnh mới giải ngân đạt 18% so với kế hoạch được giao. Nguyên nhân là do địa phương có nhiều dự án có quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì người dân đòi giá quá cao.
Thêm nữa là tác động của dịch bệnh COVID-19 và giá nguyên vật liệu, giá thi công cao hơn đơn giá của cơ quan nhà nước dẫn tới nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng, chờ hướng dẫn.
"Cũng có nơi, có lúc chủ đầu tư có tâm lý sợ trách nhiệm, nghe ngóng rồi mới triển khai thực hiện", bà Giang nói và đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư cần có giải pháp bình ổn giá, bù giá cho các nhà thầu thi công sát với giá thị trường, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép thi công.
Nói về việc giải ngân mới chỉ đạt 21,2%, ông Triệu Thế Hùng - chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - nhìn nhận một số lãnh đạo chỉ đạo điều hành của địa phương và chủ đầu tư là chưa sâu sát, chưa quan tâm đôn đốc.
Thêm nữa, giá cả nguyên vật liệu tăng cao nên nhiều chủ đầu tư chần chừ chờ bù giá, một số cơ quan đơn vị chưa thực sự quyết liệt xử lý các khó khăn vướng mắc kéo dài.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nói vướng mắc ở khâu thủ tục nên tỉ lệ giải ngân của tỉnh này mới đạt 15,5%. Theo ông Huy, mỗi bước quy trình ít nhất mất 30 - 35 ngày, giải phóng mặt bằng phải làm 2 lần (cho dự án chính và cho tái định cư)... tổng cộng mất tới hơn 300 ngày.
Bên cạnh đó, cách tính giá đất cũng có bất cập khiến tất cả các tỉnh đều tắc, gây nên nguy cơ nguồn vốn bố trí cuối năm nay, sang năm sẽ khó khăn.
Với kết quả đạt được trong giải ngân vốn là 17,2%, ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong năng lực đơn vị thi công trong tư vấn thiết kế, trách nhiệm trong quản lý điều hành đã ảnh hưởng tới chất lượng.
Trong khi đó giá vật liệu tăng cao, nguồn đất đá rất khan hiếm, không có để mua nên ảnh hưởng tới tiến độ công trình.
Một đoạn cao tốc Bắc - Nam thuộc diện ưu tiên đang được gấp rút giải phóng mặt bằng - Ảnh: NAM TRẦN
Các bộ nói vướng đủ thứ
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết vướng mắc của địa phương cũng là vướng mắc của bộ. Bộ này đề nghị tổ công tác báo cáo với Thủ tướng, đưa yếu tố giá vật tư tăng vào tình trạng "bất khả kháng" để có cơ sở điều chỉnh cho hợp đồng trọn gói.
Đồng thời đề nghị địa phương công bố giá hằng tuần để có hợp đồng điều chỉnh giá, xử lý khi giá vật liệu tăng cao.
Ông Đỗ Thành Trung - vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cho rằng giải phóng mặt bằng không vướng ở Luật đầu tư công, mà vướng ở nhiều luật khác, khi làm được thủ tục thì phải làm vô vàn bước. Chưa kể năng lực chủ đầu tư hạn chế, ban quản lý dự án thì muốn tự bảo vệ mình nên cứ làm tuần tự từng bước.
"Như việc xin giấy phép khai thác mỏ tới 357 ngày, nếu cứ tuần tự thì bao giờ xong, nên nếu ban quản lý có kế hoạch, chủ động thì mới làm được. Có lẽ ta đang đẩy trách nhiệm cho nhau, nên cần phải làm rõ hơn trách nhiệm của trung ương, địa phương trong quá trình báo cáo, thực hiện thế nào, kèm theo thời gian thì mới công bằng với nhau", ông Trung nhận định.
Đồng ý là có khó khăn trong giải phóng mặt bằng, song ông Lê Văn Bình - cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Bộ Tài nguyên và môi trường - khẳng định vấn đề là cách làm của địa phương.
Bởi hiện nay Luật đất đai quy định rất đầy đủ người có đất bị thu hồi thì được bồi thường đầy đủ, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp... Luật cũng quy định giá đất bồi thường là giá cụ thể, phù hợp với giá thị trường, nên không có chuyện giá đất bồi thường chênh lệch với giá thị trường.
Còn việc xác định nguồn gốc đất, ông Bình cho rằng có vấn đề ở địa phương khi chưa quan tâm đầy đủ đến việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính.
Đối với ban hành nghị định giá đất, ông Bình thừa nhận quy định hiện nay đang gây khó, gây tranh cãi, không thống nhất ở địa phương khi triển khai thực hiện. Do đó Bộ Tài nguyên và môi trường đang nghiên cứu, chờ tới đây khi sửa đổi Luật đất đai và các văn bản khác sẽ có hướng dẫn, xem xét sửa đổi cho rõ ràng hơn.
Chưa sâu sát, chưa quyết liệt
Đồng tình với những yếu tố khách quan khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Theo ông Dũng, trước hết do chủ đầu tư, các cấp đến các sở ban ngành chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt và sâu sát, vì trong cùng một điều kiện, thể chế như nhau nhưng có địa phương giải ngân tốt, có mô hình và cách làm hay.
Theo ông Dũng, hiện không còn vướng mắc về Luật đầu tư công. Những vấn đề trước đây như giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, phân cấp phân quyền... thì hiện nay giao vốn chỉ một lần, quy trình thủ tục cũng đã rõ hết.
Do đó ông Dũng cho rằng cần thực hiện giải pháp quyết liệt hơn theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, đôn đốc..., đảm bảo giải ngân hết 100% vốn kế hoạch được Thủ tướng giao.
"Phải xây dựng kế hoạch cụ thể tiến độ giải ngân tới từng dự án, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, đảm bảo tiến độ đề ra, kiểm soát chất lượng dự án, công trình, điều chuyển vốn sang dự án có hiệu quả giải ngân tốt, điều chuyển cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật kỷ cương. Nếu có giải pháp mạnh thì sẽ có kết quả tích cực hơn, nếu không sẽ chậm thay đổi", ông Dũng nói.
Các tỉnh miền Tây: xử lý người đứng đầu
Sau khi bị "điểm danh" là vùng có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với bình quân của cả nước, các tỉnh ĐBSCL đã cam kết đẩy nhanh tiến độ giải ngân phần còn lại của năm 2022.
Để đạt tiến độ giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao như cam kết, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL cho biết sẽ mạnh tay với các chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Cần Thơ: cảnh cáo thủ trưởng 18 đơn vị
Ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - vừa phê bình nghiêm khắc và cảnh cáo thủ trưởng 18 đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các công trình, dự án đã có nhà thầu thi công nhưng tỉ lệ giải ngân mới đạt dưới 10% tính đến ngày 15-4.
Trong đó Sở GTVT được phân bổ vốn hơn 1.665 tỉ đồng nhưng mới giải ngân 2,6%, Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ được phân bổ hơn 1.000 tỉ đồng nhưng mới giải ngân 6,1%, Sở Y tế mới giải ngân 1,5%...
Ông Trường cho biết đã chỉ đạo các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, quản lý dự án thực hiện ngay các biện pháp chế tài các nhà thầu như: cảnh cáo, xử phạt, cắt hợp đồng, thay thế các nhà thầu yếu năng lực, cấm tham dự thầu.
"Đến ngày 31-1-2023, đơn vị nào có tỉ lệ giải ngân dưới 95% kế hoạch vốn được giao sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu", ông Trường cảnh báo.
Trong các công trình chưa giải ngân có đường vành đai phía tây TP Cần Thơ tổng mức đầu tư gần 3.838 tỉ đồng, trong năm 2022 được bố trí 1.494 tỉ nhưng chỉ giải ngân được hơn 16 tỉ (chiếm 1,1%).
Ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở GTVT Cần Thơ - cho biết dự án đang trong giai đoạn khảo sát, thiết kế bản vẽ, thẩm định... chưa đấu thầu nên chưa giải ngân được. "Hết quý 2-2022 sẽ cho duyệt giá bồi thường, 6 tháng cuối năm triển khai cho dân là giải ngân hết", ông Dũng nói.
Những công trình khác trên địa bàn như Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, cầu Trần Hoàng Na, khu tái định cư An Bình, bờ kè sông Cần Thơ... đang gặp vướng mắc cần được tháo gỡ mới đẩy nhanh được tiến độ giải ngân.
Ông Lê Minh Cường - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - cho biết đến quý 3-2022, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư bắt đầu giải ngân nhiều và sẽ giải ngân hết số vốn mà TP giao.
Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ là một trong những công trình giải ngân chậm - Ảnh: CHÍ QUỐC
An Giang: buộc nhà thầu cam kết
Trong năm 2022, An Giang được giao trên 5.267 tỉ đồng vốn đầu tư công, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân hơn 711 tỉ đồng, đạt 13,5% kế hoạch, nằm trong nhóm giải ngân đầu tư công thấp khu vực ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ngoài lý do rơi vào Tết Nguyên đán, tỉ lệ giải ngân thấp của địa phương này còn do có gần 75% số dự án là khởi công mới, đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; việc lựa chọn nhà thầu chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn...
Tuy nhiên, An Giang cam kết đến hết quý 2-2022 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân từ 40-50% trở lên, hết quý 3 đạt từ 70-80% và sẽ đạt 100% vào cuối năm.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu các đơn vị phân công cụ thể cán bộ phụ trách, có kế hoạch chi tiết từng giai đoạn thực hiện dự án và giải ngân vốn, đặc biệt là các dự án lớn để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường.
"Phải làm việc cụ thể với nhà thầu, có bản cam kết tiến độ và giám sát chặt chẽ. Đối với các dự án mới đã có kết quả lựa chọn nhà thầu thì khẩn trương giao thầu để triển khai thi công ngay và phải có bản cam kết với nhà thầu về tiến độ thi công.
Đối với các dự án chưa hoàn thiện hồ sơ thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì phải sớm hoàn thành để tổ chức lựa chọn nhà thầu và giao thầu trong tháng 6 tới đây", ông Bình cho biết.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt là giá cát quá cao, khiến cho tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương này tính đến giữa tháng 5-2022 chỉ đạt 12,5%.
"Kiên Giang đang giao cho các ngành xây dựng lại đơn giá, mất 1 - 2 tháng nữa nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Chúng tôi kiến nghị làm sao giá tại mỏ sát thực tế, chứ giá chênh lệch sẽ ảnh hưởng việc xây dựng giá cũng như tổ chức thi công", vị này nói.
Kiểm điểm trách nhiệm nếu để chậm giải ngân
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất ĐBSCL với tỉ lệ hơn 25% kế hoạch vốn được giao - cho hay thời gian qua UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nỗ lực tối đa, thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
"Sóc Trăng sẽ tập trung rà soát cơ chế giải phóng mặt bằng, áp giá đền bù giải tỏa đối với các công trình, dự án trên địa bàn.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt sẽ kiểm điểm trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân để xảy ra giải ngân chậm kế hoạch vốn đầu tư công", ông Lâu nói.
L.DÂN - B.ĐẤU - C.CÔNG - K.TÂM - C.QUỐC
TTO - Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch. Vì thế, không chỉ yêu cầu kiểm điểm với đơn vị không hoàn thành kế hoạch, Thủ tướng đã phải lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Xem thêm: mth.17873628082502202-hnam-pahp-iaig-nac-nov-nagn-iaig-mahc/nv.ertiout