Một số cổ khí đang lưu kho ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: Thái Lộc chụp lại
"Ông đến ngay "bảo tàng Sở thú" mà xem cổ khí Minh Mạng, họ vừa mới bày đó!". Nhận được tin nhắn của anh bạn, tôi "bay" đến ngay Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong sự háo hức được xem những báu vật cứ tưởng đời mình chỉ được đọc trong sử sách... văn vật nhà Nguyễn.
Đó là năm trong số 33 cổ khí "mang tư tưởng trị quốc" của Nguyễn Thánh tổ hoàng đế Minh Mạng, những hiện vật tưởng chừng chỉ nằm trong sử sách, nay may mắn được tận mắt chiêm ngưỡng.
Dịp đó ngay sau Tết Nhâm Dần, tôi bước vào gian cổ vật thời Nguyễn của bảo tàng, và đến ngay tủ mới bày đồ "Cổ khí Minh Mạng".
Trong đó, bày năm cổ vật bằng đồng tuyệt đẹp với lớp "ten" xanh, tức "lớp thời gian" phủ quanh bề mặt, gồm: ba chiếc đỉnh bốn chân, một chiếc cốc ba chân và một chiếc liễn ba chân.
Các hiện vật đều có tên, được phỏng đúc theo kiểu cách (cũng như tên gọi) có từ thời Chu; nhiều lớp hoa văn đúc nổi và những dòng chữ Hán khắc sâu. Đặc biệt, mỗi hiện vật đều khắc minh văn ngự chế của Thánh tổ Nhân hoàng đế - Minh Mạng.
Những cổ vật này thực ra "không xa lạ" với người rành văn hóa lịch sử, bởi chúng được ghi rất rõ trong sử sách, thậm chí có cả hình vẽ, mô tả cụ thể. Song, đây là lần đầu tiên các cổ khí thuộc hàng bảo vật này "trình làng", trở thành dịp may cho mọi người tận mắt nhìn ngắm.
Lời giới thiệu bên trên đề rõ: "Cổ khí là tên gọi chung của 33 loại cổ vật bằng đồng được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1839 phỏng theo các loại đồ vật thời Tam Đại ở Trung Quốc (thời Thương, thời Chu và thời Hán).
Trên mỗi cổ khí có khắc những bài minh bằng chữ Hán lấy ý từ những tác phẩm kinh điển của Nho giáo hoặc những bài ngự chế của vua về tư tưởng hộ quốc an dân, răn dạy con cháu và các quan lại.
Cổ khí được sử dụng để đặt trên các bàn thờ trong hệ thống miếu thờ của triều Nguyễn như Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu, điện Phụng Tiên... và các nơi thờ cúng khác.
Qua đó đã phản ánh phần nào tư tưởng lớn lao của vua Minh Mạng trong việc trị quốc, mong muốn xây dựng Đại Nam trở thành một nước thái bình, cường thịnh".
Theo những tư liệu chúng tôi có được, ba chiếc đỉnh gồm: đỉnh tròn ba chân cao (phỏng đỉnh Tử Phủ Cử cao 28cm, nặng 5,6kg), đỉnh tròn ba chân thấp (phỏng đỉnh Ung Công Giám cao 30cm, nặng 14,2kg) và đỉnh vuông bốn chân (phỏng đỉnh Văn Vương cao 29,3cm, nặng 8,7kg) cùng chiếc cốc ba chân (phỏng cốc Tử Ất cao 41,5cm, nặng 6,9kg) và chiếc liễn ba chân (phỏng liễn Ngữ cao 16cm, nặng 6,3kg).
Năm cổ khí trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM - Ảnh: THÁI LỘC
Thông điệp trị quốc
Tháng 11 năm Minh Mạng 19 (1838), nhà vua cho đúc bác cổ, sau gọi là cổ khí.
Sách Đại Nam thực lục ghi: "Vua rộng xem sách cổ, thấy chép loại đồ không giống nhau, gián hoặc có một vài bài minh, chữ nghĩa thiếu sót, không thể xét được, mới đem từ đỉnh Sách mệnh nhà Thương đến xe cưu nhà Hán 33 loại, giao cho quan có trách nhiệm chiểu theo hình dáng khắc đúc, đúc xong tự làm 33 bài minh, sai theo từng loại khắc vào.
Vua bảo bộ Công rằng: "Trẫm làm ra đồ bác cổ, là muốn để lại, về sau truyền cho lâu dài, xét ra đồ vật đời Tam đại để lại, đến nay coi là cổ, thì biết đâu nghìn, muôn năm sau không coi ngày nay là cổ, cũng như ngày nay coi ở Tam đại?".
Vua lại nói: "Chữ nghĩa đời xưa, nhiều chữ không thể hiểu được, như một chữ tất phải giải nhiều nghĩa mới có thể hiểu được, bài minh ngự chế này trẫm dùng thể văn ngày nay, cốt cho giản tiện dễ biết mà thôi, rồi đem bài minh phỏng theo đỉnh của Văn vương nhà Chu cho xem.
Văn rằng: "Làm theo vật, bắt chước người, nước dẫu cũ, mệnh đổi mới, trăm đời con cháu, muôn năm noi theo". Lại đưa ra một bài minh văn cổ cho xem, để biết văn cổ lời văn phần nhiều mờ tối, không thể noi theo được".
Ông Phạm Hữu Công, nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, là người thực hiện luận án tiến sĩ về bảo vật Cửu đỉnh và cổ khí thời Minh Mạng. Ông Công cho biết các bài minh khắc trên cổ khí đề cập đến nhiều vấn đề mà nhà vua quan tâm, nhất là công việc trị nước.
Ông nói: "Điều đầu tiên dễ nhận thấy là Minh Mạng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề của con người và đất nước buổi đương thời, đặc biệt là các biện pháp tu thân, dụng nhân, trị nước.
Những tư tưởng về những vấn đề này như: gần hiền xa nịnh, không đam mê tửu sắc, kính trời yêu dân, bắt chước thời cổ, thưởng phạt công minh, ngăn sự xa hoa, mong muốn triều đại tồn tại lâu dài... được ghi trên các hiện vật... đã chứng tỏ rằng những ý tưởng ấy có tầm quan trọng đối với Minh Mạng và thực tế đã trở thành những tâm niệm sâu xa của ông. Các bài minh trên cổ khí đặc biệt cũng hợp thành một hệ thống khá chặt chẽ của một chính sách cai trị...".
Tịch thu trước giờ xuất ngoại
Số lượng cổ khí được tạo tác có sự chênh lệch rất lớn giữa các sử liệu thời Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục ghi: "Tất cả 33 loại, mỗi loại đều 30 chiếc, tổng số 990 chiếc".
Trong khi sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: "Có 33 thứ, mỗi thứ đúc 10 chiếc", tức 330 chiếc. Dù vậy, trong mấy chục năm qua, cổ khí hầu như không thấy xuất hiện trên thị trường cổ vật, kể cả trong các bộ sưu tập lớn, khiến không ít hoài nghi về số lượng chính thức được tạo tác.
Cho đến hiện nay, ngoài 13 chiếc thuộc bộ sưu tập nói trên, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sở hữu 1 chiếc đào được sau này, có nghĩa số liệu "chính thống" hiện còn là 14 chiếc.
Trở lại lô cổ khí của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với số phận khá đặc biệt: là đồ tịch thu khi đang trên đường tẩu tán ra nước ngoài.
Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc bảo tàng, cho biết người tẩu tán cổ khí là một viên chức lãnh sự quán nước ngoài. Có khả năng một số cổ khí đã "chảy máu" trót lọt. Đến đợt 13 cổ khí này, phía hải quan và công an đã kịp giữ lại.
"Vụ đó cũng lớn lắm, một viên chức của lãnh sự nước ngoài đem đi. Đáng tiếc bảo tàng chỉ giữ lại những cái đợt sau. Còn đi đợt trước như thế nào, dường như đã có bước đi chảy máu ra nước ngoài rồi" - ông Tuấn nói.
Biết khá tường tận lô cổ khí nói trên, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho biết số hiện vật trên vốn được thờ ở một lăng vua Nguyễn của Huế. Sau biến cố Mậu Thân 1968, Hội đồng Nguyễn Phước đã lấy về nhờ hoàng thái hậu Từ Cung cất giữ.
Khoảng đầu thập niên 1970, một số di tích xuống cấp cần tiền tu sửa, hội đồng này cùng đức Từ Cung đã bán lô cổ khí cho ông H.V.L., một nhà buôn đồ cổ ở Sài Gòn, kèm theo chứng từ đóng dấu triện son của đức Từ Cung hẳn hoi. Sau 1975, ông H.V.L. đi Mỹ định cư, lô đồ này quá cồng kềnh và nặng nề không mang theo được.
Khoảng đầu thập niên 1980, thân nhân đã bán lô đồ cho một người nước ngoài, và bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất giữ lại khi đang thông quan. Sau khi xác định là cổ vật, cơ quan chức năng đã quyết định tịch thu và đưa về cất giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM theo quy định đương thời.
Tỏ đạo huyền diệu, rộng mở giáo hóa
"...Cổ khí minh văn đều là phát tỏ đạo huyền diệu, mà rộng mở giáo hóa chính đáng. Duy có bậc đại thánh nhân chế tác hơn hẳn hạng tầm thường, đổi hết phong tục đơn giản hủ lậu từ thời cuối Lê trở về trước, mở mang văn minh thịnh trị cho nước Đại Nam ta đến nghìn muôn đời sau. Đẹp đẽ thay! Thịnh thay!" - sách Đại Nam thực lục triều Nguyễn (quyển 220, đệ nhị kỷ).
***********
Nhiều chiếc áo rất quý của hoàng đế, hoàng thái hậu và các bậc quan lại thời Nguyễn, thật lạ lùng, được sưu tầm từ vùng người thiểu số ven dãy Trường Sơn của tỉnh Quảng Trị, kể cả trên đất Lào...
>> Kỳ tới: Mua áo vua quan ở biên giới
TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử, những hiện vật quý, quan trọng và thiêng liêng nhất của triều đại phong kiến cuối cùng mọi người đinh ninh đã mất bỗng được trưng ra khiến người thưởng ngoạn cũng cảm thấy diễm phúc được nhìn ngắm một lần trong đời.