Ảnh công bố ngày 28-5-2022 cho thấy tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon được phóng từ khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Đô đốc Gorshkov trong cuộc thử nghiệm ở biển Barents - Ảnh: REUTERS/BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Theo Hãng tin AFP, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon đã được phóng từ khinh hạm mang tên Đô đốc Gorshkov trên Biển Barents và đánh trúng mục tiêu cách đó 1.000km nằm ở Biển Trắng (tây bắc Nga).
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm vụ thử nghiệm này là một phần của quá trình "thử nghiệm vũ khí mới" đang diễn ra.
Cuộc thử nghiệm chính thức đầu tiên của tên lửa Zircon diễn ra vào tháng 10-2020 - vụ thử nghiệm được Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả là "sự kiện trọng đại". Sau đó, nước này tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm khác với tên lửa này, phóng từ khinh hạm và từ tàu ngầm.
Loại vũ khí này có thể đạt tốc độ gấp từ 5 đến 10 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn tối đa khoảng 1.000km. Tổng thống Putin mô tả Zircon là một phần của hệ thống vũ khí bất khả chiến bại thế hệ mới.
Hồi tháng 3, Nga cho biết nước này đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm khác có tên Kinzhal với độ chính xác cao lần đầu tiên trong chiến đấu, cụ thể là tại chiến trường Ukraine.
Kinzhal là một trong các loại vũ khí thế hệ mới được ông Putin công bố vào năm 2018. Loại vũ khí này khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương theo dõi và đánh chặn hơn so với vũ khí thông thường, do tốc độ của chúng cũng như việc chúng được phóng ở độ cao thấp hơn về phía mục tiêu.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat đầu tiên thành công và gọi Sarmat là tên lửa mạnh nhất, với tầm bắn xa nhất thế giới. Tên lửa Sarmat có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, đồng thời tấn công các mục tiêu cách xa hàng ngàn cây số ở Mỹ hoặc châu Âu.
TTO - Kế hoạch ra mắt tên lửa siêu vượt âm đầu tiên của Mỹ sẽ bị trì hoãn thêm một năm, khiến các nhà lập pháp Mỹ phản đối Lầu Năm Góc vì cho rằng Mỹ đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc.