Ngày 24/5, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã ký Văn bản số 1786/BXD-QLN gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư.
Theo Kế hoạch giám sát số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 và Kế hoạch số 123/KH-ĐGS ngày 18/4/2022 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát tại một số Bộ, ngành và địa phương với chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, có nội dung giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn tính đến tháng 5/2022. Trong báo cáo phải cụ thể một số nội dung sau: Tổng hợp danh mục các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn, số lượng nhà ở tái định cư đã đầu tư xây dựng, việc bố trí, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác (số liệu tính đến tháng 5/2022).
Đây cũng là đợt tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư tại các địa phương.
Theo số liệu khảo sát của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có tới hàng nghìn căn hộ chung cư bị bỏ hoang.
Trong khi đó, Sở này đang quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất phục vụ tái định cư còn bỏ trống tại 163 dự án.
Do đó, mỗi năm thành phố phải tốn khoảng 71 tỷ đồng để bảo trì những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuống cấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Tuệ Minh (tổng hợp)