Một thế giới với những nỗi đau âm ỉ được cất tiếng nói tại liên hoan phim - Ảnh tổng hợp từ IMDb
Khi ban tổ chức Cannes 2022 giăng tấm apphich chính thức của liên hoan phim trên đại lộ Croisette, nhiều người đã nhận ra ngay hình ảnh cuối cùng của bộ phim The Truman Show (1998). Một người đàn ông đang leo lên những bậc cầu thang vắt ngang lưng trời.
Nhân vật chính của bộ phim (Jim Carrey thủ vai) đã phải sống hàng chục năm trong một chương trình truyền hình thực tế mà không hề hay biết. Ở đoạn kết, sau khi đã hiểu được mọi chuyện, anh bước lên bậc thang để tìm đến thế giới thực và rũ bỏ sự giả dối lại đằng sau.
Poster chính thức của Cannes 2022 được gợi cảm hứng từ The Truman Show (1998) - Ảnh: GETTY IMAGES
Tác phẩm điện ảnh kinh điển của Peter Weir là phiên bản hiện đại của dụ ngôn Hang động (Plato): như một người ở trong hang chỉ thấy thế giới được phản chiếu qua ánh sáng ngọn đuốc, chúng ta chỉ biết những gì ta nghĩ là sự thật. Khi nhãn quan được mở rộng, chúng ta mới nhận thức được ngoài sự thật này còn có các sự thật khác.
Được truyền cảm hứng từ bộ phim, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes tuyên bố sẽ mang đến sự thật cho công chúng qua các tác phẩm trình chiếu. Thế giới trong mắt các bộ phim ở Cannes là bể chứa của đống dung nham bên dưới với bạo lực, cay nghiệt và thao túng.
Xã hội vụn vỡ
Năm 2016, Sohee, một nữ sinh trường phổ thông, được gửi đến công ty viễn thông để thực tập. Ba tháng sau, Sohee đã tự tử vì gánh nặng công việc. Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc tại sao một nữ sinh trung học lại phải chịu áp lực việc làm đến mức kết liễu đời mình.
Bộ phim Next Sohee (Hàn Quốc) được nữ đạo diễn July Jung mang đến Cannes là góc khuất không mấy dễ chịu của xã hội Hàn Quốc.
Phim Next Sohee gióng hồi chuông cảnh báo để không còn những Sohee tiếp theo- Ảnh: IMDb
Bằng diễn tiến nặng nề, bước chuyển chậm chạp (nhưng không lê thê), phim ép người xem vào thế giới ngột ngạt cô bé 18 tuổi phải đối mặt.
Thám tử Yoo-jin, người điều tra vụ tự sát của Sohee, cũng phải ở trong tình trạng tương tự khi những nhà chức trách muốn ém nhẹm vụ điều tra vì sợ làn sóng phẫn nộ của công chúng. Các báo cáo cho thấy Sohee bị mắc kẹt trong sự căng thẳng ở công sở và mặc cảm tội lỗi với nhà trường nếu bỏ việc.
Next Sohee khó có thể tranh giải thưởng với các tác phẩm điện ảnh khác, tuy nhiên, về mặt ý nghĩa, bộ phim đã cúi xuống vấn đề của thế hệ trẻ, cố gắng gióng hồi chuông cảnh báo để không còn nữa những "Sohee" tiếp theo.
Thay vì gói gọn mối quan tâm trong phạm vi xã hội, hoàn cảnh nhất định như July Jung, bộ phim Men (Anh) của đạo diễn Alex Garland lại hướng đến một diễn ngôn giới tính rộng mở và khích động. Sau vụ tự sát của chồng, Harper đi nghỉ ở một ngôi làng nhỏ để phục hồi tinh thần.
Thế nhưng, khoảnh khắc người chồng quá cố tự kết thúc sự sống liên tục hiện về, song song đó, Harper chợt nhận ra mình đang lọt thỏm vào ngôi làng quái dị, chỉ có đàn ông. Cây táo đằng trước nhà cũng kéo theo hàng loạt hiện tượng kỳ bí.
Men là dị bản của câu chuyện Adam và Eva trong Kinh thánh với ngôi làng Cotson tượng trưng cho vườn địa đàng. Nhưng câu chuyện ở sách Sáng thế vốn mang tính ẩn dụ cho tội lỗi của con người nay lại được Alex Garland tái diễn giải theo hướng mâu thuẫn giới tính.
Những thước phim hồi tưởng tiết lộ cái chết của chồng Harper do bất hòa trong gia đình. Anh đe dọa cô để níu kéo tình cảm và khi bị từ chối, anh quyết định chọn cái chết ngay trước mặt Harper để khiến cả cuộc đời còn lại của cô chìm trong mặc cảm, ân hận. Giống Eva ăn trái cấm trong vườn thiêng, Harper có tội khi chồng cô phải tự tử để níu kéo.
Trong cuộc thảo luận giới tính, nếu Eva - người phụ nữ là nguồn cơn cho đau khổ mà loài người - đàn ông phải gánh chịu thì Harper là tội đồ cho cái chết của chồng. Sự lồng ghép các ẩn dụ vào nhau khiến bộ phim của Alex Garland hàm chứa nhiều khía cạnh xã hội hơn là tác phẩm ly kỳ đại diện cho dòng phim kinh dị.
Cảnh trong phim Sick of Myself - Ảnh: IMDb
Chủ đề thao túng còn được nhắc đến trong phim Sick of Myself (Na Uy), kể về một cô gái tự làm đau bản thân để thu hút sự chú ý của bạn trai và mọi người xung quanh.
Cái nhìn về thế giới khốc liệt ở Cannes 2022 tiếp tục được thể hiện qua tác phẩm Holy Spider (Đan Mạch) của đạo diễn người Iran Ali Abbasi. Phim dựa trên câu chuyện có thật về Saeed Hanaei, người đàn ông đã sát hại 16 gái mại dâm ở Iran trong khoảng giữa năm 2000 và 2001.
Holy Spider lột tả một câu chuyện đầy khốc liệt , nơi mà phụ nữ bị căm ghét - Ảnh: IMDb
"Tôi không có ý định làm ra bộ phim về sát nhân hàng loạt. Tôi muốn thực hiện tác phẩm về một xã hội giết người hàng loạt. Nó bàn đến sự căm ghét phụ nữ đã ăn sâu vào gốc rễ xã hội Iran, thứ thuộc về văn hóa chứ không phải nền chính trị hay tôn giáo nào cụ thể" - đạo diễn Ali Abbasi chia sẻ trong thông cáo báo chí tại liên hoan phim.
Xã hội mà Ali đề cập là xã hội đã lạm dụng văn hóa để xuyên tạc bản chất của kẻ giết người và hủy hoại các nạn nhân đến tận cùng. Quá trình ghi hình của bộ phim gặp nhiều khó khăn do vấp phải sự cản trở của chính quyền Iran.
Chữa lành vết thương
Với một biên độ mở rộng để tái khám phá thế giới trong những sự thật mới, Cannes đã đem đến những chủ đề đa dạng và gây sốc cho khán giả như tình dục với tác phẩm Crimes of the Future (Canada) của David Cronenberg khiến khán giả bỏ ra khỏi rạp sau 5 phút công chiếu, hay giễu nhại giới siêu giàu với Triangle of Sadness (Thụy Điển - do Ruben Östlund đạo diễn).
Tuy nhiên, xen kẽ những bộ phim vặn xoắn người xem bằng ý tưởng về đạo đức và trật tự xã hội, liên hoan phim cũng mang lại không ít tác phẩm có thể xoa dịu vết thương tâm hồn.
Paris Memories đưa tới một câu chuyện tình lãng mạn - Ảnh: IMDb
Dù đường dẫn cốt truyện theo môtíp cũ, Paris Memories (Pháp) vẫn có khả năng lôi kéo khán giả bằng sự nhẹ nhàng của câu chuyện tình lãng mạn.
Mất trí nhớ tạm thời sau khi trải qua vụ khủng bố ở Paris, Mia đã trở lại thành phố để gom nhặt lại các mảnh vụn ký ức. Chuyến đi không chỉ giúp Mia vượt qua chấn thương tinh thần mà còn đưa cô đến một cuộc tình ấm áp.
Cảnh trong phim Nostalgia - Ảnh: IMDb
Cũng là chuyến hành trình hồi tưởng, bộ phim Nostalgia (Ý) của đạo diễn Mario Martone đưa nhân vật Felice trở về khu phố Rione Sanità (Ý) để thăm người mẹ già sau mấy chục năm xa cách. Felice từng chối bỏ nơi ông sinh ra, một vùng đất của đói nghèo và tội phạm.
Với doanh nhân thành đạt 55 tuổi, nơi này không khác gì vết cứa còn sót lại từ quá khứ. Cuộc hồi hương đã thay đổi khoảng cách giữa Felice và khu phố nghèo, khơi dậy tình yêu bị vùi lấp và cho anh tìm lại chính mình giữa sự lạc lõng căn tính.
Khi nhân vật do Jim Carrey thủ vai bước lên bậc thang đến thế giới mới, anh không mường tượng ra đó sẽ là một nơi ra sao. Cũng như khi cánh cửa Cannes mở ra, chúng ta khó hình dung được tất thảy sức nặng của thế giới điện ảnh với những góc cạnh dị biệt.
Cannes hứa đem lại sự thật, bất chấp nghiệt ngã hay mộng mị, sự thật vẫn là sự thật.
Cannes lần thứ 75 năm 2022 diễn ra từ ngày 17 và bế mạc vào rạng sáng 29-5 (giờ Việt Nam).
Có 22 bộ phim tranh Cành cọ vàng, giải thưởng cao nhất của liên hoan phim. Tối 27-5, ban tổ chức đã trao giải Grand Prize tại Tuần lễ phê bình cho bộ phim Colombia La Jauria.
Trước đó, nam tài tử Tom Cruise đã được trao giải Cành cọ vàng danh dự vì những đóng góp đặc biệt cho nền điện ảnh.
Tiếng nói thời sự: thao túng tâm lý
Cảnh trong phim Men - Ảnh: IMDb
Ra mắt vào thời điểm này, phim Men của đạo diễn Alex Garland còn mang theo tiếng nói thời sự về vấn đề thao túng tâm lý (gaslighting).
Những năm gần đây, sự lớn mạnh của các phong trào bình quyền cộng thêm sức ảnh hưởng từ vụ kiện bạo hành giữa Johnny Depp và Amber Heard đã khiến hành vi thao túng tâm lý trở thành đối tượng được giới nghiên cứu và công chúng mổ xẻ.
Danh sách giải thưởng Liên hoan phim Cannes 2022
Cành cọ vàng: Triangle of Sadness (đạo diễn Ruben Ostlund)
Cành cọ vàng cho phim ngắn: The Water Murmurs (đạo diễn Story Chen)
Camera vàng: War Pony (đạo diễn Gina Gammell và Riley Keough)
Giải Grand Prix: Close (đạo diễn Lukas Dhont) và Stars at Noon (đạo diễn Claire Denis)
Giải Đạo diễn xuất sắc: Park Chan Wook (phim Decision to Leave)
Kịch bản hay nhất: Tarik Saleh (phim Boy from Heaven)
Giải Ban giám khảo: The Eight Mountains (đạo diễn Charlotte Vandermeersch và Felix van Groeningen) và Eo (đạo diễn Jerzy Skolimowski)
Nữ chính xuất sắc: Zahra Amir Ebrahimi (phim Holy Spider - đạo diễn Ali Abbasi)
Nam chính xuất sắc: Song Kang Ho (phim Broker - đạo diễn Hirokazu Kore-eda)
Đến Liên hoan phim Cannes, có thể nhìn thấy những người nổi tiếng trên thảm đỏ, ra vào xe limousine và tiệc tùng trên những siêu du thuyền sang trọng.
Xem thêm: mth.32100513282502202-uid-aox-av-yab-iohp-sennac-auc-auh-iol/nv.ertiout