Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào làm CPI tháng 5 tăng.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020. Lạm phát cơ bản tăng 1,1%.
Trong mức tăng 0,38% của CPI tháng 5 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và một nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,34% (làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.
Ngoài ra, đà tăng CPI tháng 5 còn do nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,74% do giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 3,15% và khách sạn, nhà khách tăng 0,94% khi nhu cầu du lịch tăng trở lại. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33% do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm).
Trong tháng 5, nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,13% do giá gas giảm 5,38%. Cụ thể, từ ngày 1/5, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 29.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 95 USD/tấn (từ mức 950 USD/tấn xuống mức 855 USD/tấn).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.