Giá heo, gà, trứng thời gian gần đây tăng khá cao. Theo đó, giá heo hơi xuất chuồng hiện ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. Tương tự, giá gà công nghiệp tại trại là 33.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với đầu năm; giá gà tam hoàng tăng lên 58.000 đồng/kg...
Giá tăng nhưng người chăn nuôi chưa có lãi
Đáng chú ý, giá trứng trên thị trường tăng rất mạnh. Giá bán lẻ hiện tại khoảng 3.500-3.800 đồng/trứng gà, 4.000-4.200 đồng/trứng vịt. Tại các trại chăn nuôi, giá xuất bán cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn, khoảng 2.700 đồng/trứng gà, chênh lệch lên đến 1.000 đồng so với giá bán lẻ.
Tuy giá trứng, thịt xuất bán tại trại và bán lẻ đều ít nhiều tăng nhưng người chăn nuôi vẫn chưa có lãi và không dám đầu tư tái đàn, tăng đàn. Ông Chu Ngọc Lâm, chủ trại nuôi hơn 200.000 con gà công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, lý giải do giá thức ăn tăng quá cao, lên xuống thất thường nên người chăn nuôi bị bào hết lợi nhuận và đối diện nhiều rủi ro. Còn ông Phạm Văn Dũng - chủ trại gà đẻ hơn 50.000 con tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai - thì cho biết để giảm thiệt hại do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông đã giảm đàn chỉ còn khoảng 20.000 con để duy trì hoạt động và giữ khách hàng.
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho rằng giá heo, gà, trứng thời gian qua tăng ngoài nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao thì còn do nguồn cung thiếu hụt. Đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%-40% so với cuối năm 2021 và sẽ còn tăng tiếp. Giá thức ăn tăng cao đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp từ 25.000-26.000 đồng/kg lên trên 30.000 đồng/kg, gà tam hoàng lên 50.000-53.000 đồng/kg. Chưa kể, chuỗi cung ứng từ một số thị trường nhập khẩu đang bị đứt gãy cũng gây áp lực thiếu hụt nguồn cung đáng kể.
"Giá bán có tăng nhưng nhiều người chăn nuôi không dám tái đàn. Thậm chí, họ còn lo ngại nếu đầu tư tái đàn, tăng đàn ồ ạt sẽ dẫn đến nguồn cung dư thừa, giá lại quay đầu giảm mạnh, người chăn nuôi sẽ trắng tay" - ông Long phản ánh.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng trong thời gian dài khiến giá thịt, trứng trên thị trường tăng vọt, còn người chăn nuôi và doanh nghiệp bị bào hết lợi nhuận Ảnh: TẤN THẠNH
Doanh nghiệp bình ổn muốn tăng giá 10%
Trước tình hình giá trứng gà, vịt tăng kỷ lục, mới đây, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng trứng tại TP HCM đã có văn bản đề xuất Sở Tài chính xem xét cho điều chỉnh tăng giá vì "không thể cầm cự thêm được nữa".
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết lần tăng giá trứng trong chương trình bình ổn gần đây nhất là ngày 2-4. Sau lần tăng giá này, giá trứng gà bình ổn thị trường đang là 29.500 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục. Mức giá này hiện thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch lớn so với giá bán ở thị trường.
"Giá đầu vào đã tăng khoảng 40% so với tháng 6-2021. Hiện 80%-90% sản lượng trứng của chúng tôi được bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn thị trường. Với sản lượng bán ra mỗi ngày tăng ít nhất 50% so với số lượng đăng ký trong chương trình, chúng tôi đang phải gồng lỗ. Nếu được tăng giá bán tối đa 10% thì doanh nghiệp có thể hòa vốn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ giữ giá và dẫn dắt thị trường" - ông Thiện nhìn nhận.
Theo một số doanh nghiệp, do giá bán trứng bình ổn trong siêu thị và ngoài thị trường chênh nhau 5.000-6.000 đồng/chục nên tiêu thụ trứng ở kênh siêu thị tăng mạnh. Đã có siêu thị phải giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 vỉ (10 trứng/vỉ) để hạn chế tình trạng mua gom.
"Giá cám, chi phí vận chuyển, nhân công đều tăng nên người chăn nuôi chỉ dám tái đàn cầm chừng khiến nguồn cung trứng giảm 40%-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng trứng, áp lực còn đến từ chi phí vận chuyển, bao bì… tăng vọt. Nếu không được điều chỉnh giá thì không chỉ doanh nghiệp bình ổn thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường trong 4-5 tháng tới" - ông Trương Chí Thiện phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), hy vọng giá đầu vào sẽ chỉ tăng cho đến giữa tháng 6 tới rồi chững lại và đi xuống. Ông An cho biết dù lợi nhuận bị ảnh hưởng trực tiếp và hoạt động kinh doanh mảng thịt tươi sống gặp khó khăn, lợi nhuận cũng thấp hơn kinh doanh thịt đông lạnh, công ty vẫn ưu tiên cung ứng ra thị trường các sản phẩm thịt "nóng" được giết mổ hằng ngày. "Trước mắt, Vissan vẫn cầm cự và theo dõi diễn biến thị trường, chưa xin điều chỉnh giá" - ông An khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng sức mua còn thấp nên hiện tại, nguồn cung trứng cho thị trường thành phố vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Theo ông Phương, chênh lệch giá bán trứng trong và ngoài chương trình bình ổn thị trường đã cao hơn mức quy định (theo quy định, doanh nghiệp được đề xuất điều chỉnh giá nếu chênh lệch 5% - PV). Mặc dù chưa nhận được phản ánh trực tiếp từ doanh nghiệp nhưng Sở Công Thương TP HCM đã tính toán và sẽ chủ động làm việc với Sở Tài chính để xem xét điều chỉnh giá bình ổn cho doanh nghiệp.
Thêm nguồn cung từ doanh nghiệp lớn
Nếu như doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ chăn nuôi ồ ạt bỏ chuồng trại, giảm đàn thì trong 2 năm nay, một số doanh nghiệp lớn đã tăng đầu tư, tăng quy mô chăn nuôi lên 50%, thậm chí 100%. Từ đó, các doanh nghiệp này bổ sung cho thị trường trong nước nguồn cung ổn định với giá cả phù hợp.
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho hay trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường17.000-18.000 con heo, tăng 2.000 con so với năm trước. Sản lượng gà công nghiệp bán ra cũng tăng khoảng 10%. Riêng mặt hàng trứng gà, mỗi ngày công ty cung cấp khoảng 1 triệu trứng ra thị trường với giá cả ổn định. "Nguồn heo, gà… cung cấp ra thị trường của chúng tôi tăng lên đáng kể, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường" - ông Huy nói.
Xem thêm: mth.21250949192502202-hnam-gnat-tiht-gnurt-aig/et-hnik/nv.moc.dln