Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 30/5 với những biến động giằng co. VN-Index có những đợt tăng, giảm điểm đan xen nhau.
VN-Index trong tuần vừa qua có 4/5 phiên đi lên, ghi nhận mức tăng gần 45 điểm, tương ứng 3,61% để vượt ngưỡng 1.280 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch tuần mới, nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch ngay từ đầu tuần giao dịch tích cực khi PVC tăng 5,8%, PVS tăng 5%, BSR tăng 4,6%, PVD tăng 2,9%... Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn như VJC, PLX, VPB, CTG... cũng tăng giá và góp phần nâng đỡ thị trường chung.
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số mã như BCM, VRE, VNM, VCB, VIC, MSN... chìm trong sắc đỏ, gây áp lực đáng kể lên thị trường chung khiến chỉ số chỉ có thể giằng co quanh mốc tham chiếu. BCM giảm 1,8%, VRE giảm 1,2%, VNM giảm 1,1%...
Càng về cuối phiên sáng, giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng diễn biến tích cực. VN-Index tăng 3,48 điểm lúc kết phiên sáng lên 1.288,93 điểm. Toàn sàn có 255 mã tăng, 176 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,34 điểm lên 313,51 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 75 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm xuống 95,17 điểm.
Dòng tiền có phần tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhiều mã cổ phiếu đầu cơ có diễn biến nhạy cảm với thị trường liên tục bứt phá, đến cuối phiên giao dịch, nhóm này vẫn giữ được mức tăng tốt.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,47 điểm, tương ứng 0,66% lên 1.293,92 điểm. Toàn sàn có 289 mã tăng, 145 mã giảm và 65 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,6 điểm, tương ứng 0,51% lên 312,77 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 70 mã giảm và 52 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm, tương ứng 0,55% lên 95,71 điểm.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí không còn được duy trì, trong đó, GAS bị bán về mức tham chiếu, PVD chỉ còn tăng 0,45%, PVT tăng 1,2%, PVS tăng 2,8%...
Các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ROS, AMD, HAI sau nhiều phiên bị bán tháo do rơi vào diện hạn chế giao dịch từ 1/6, bị cấm giao dịch phiên sáng và chỉ được giao dịch phiên chiều thì nay đồng loạt tăng trần và trắng bên bán.
Nhưng cổ phiếu đầu cơ từng tạo sóng trên thị trường chứng khoán như L14, JVC, HQC, HAR… đều tăng kịch trần với lượng sang tay hàng triệu cổ phiếu. YEG cũng gây chú ý khi tăng trần dù lãnh đạo và cổ đông lớn đều lần lượt thoát vốn trước kỳ họp Đại hội đồng cổ đông tới đây.
Dù vậy, các mã đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng hôm nay đều thuộc rổ cổ phiếu trụ VN30. VHM dẫn đầu danh sách này khi tăng 1,1% lên 70.500 đồng/cổ phiếu và đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của chỉ số. Tiếp đến trong danh sách các cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường là VJC.
Hàng loạt nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng góp mặt trong danh sách tác động tích cực như VCB, BID, VPB, CTG…
Tuần vừa rồi, gánh nặng lớn nhất cho đà đi lên của chỉ số đến từ cổ phiếu HPG của Hòa Phát khi đi ngược xu hướng giảm 5,84% về 35.450 đồng/cổ phiếu. Đến phiên ngày 30/5 hôm nay, HPG đứng giá với hơn 15 triệu cổ phiếu sang tay. Ở chiều ngược lại, MWG và VNM là hai cổ phiếu kìm hãm đà bứt phá của chỉ số khi lần lượt mất 1% và 0,7% so với tham chiếu. Ngoài ra, một số mã tuần vừa rồi tăng tốt thì đến phiên ngày 30/5 lại quay đầu như PNJ, FPT, SAB, BCM…
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.167 tỷ đồng, giảm 12%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 15,5% xuống còn 12.758 tỷ đồng. Rổ VN30 cũng đóng góp gần 7.000 tỷ đồng. Dòng tiền phân hóa mạnh, tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính và công nghiệp, lần lượt đạt 3.160 tỷ đồng và 2.340 tỷ đồng.
Khối ngoại mua vào đột biến hơn 3.268 tỷ đồng và bán ra 1.593 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng phiên 30/5 là 1.675 tỷ đồng. Mã đột biến được sang tay là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (mã của Diamond ETF) với trị giá 1.089 tỷ đồng, FPT có các thỏa thuận 1.016 tỷ đồng, MSN của Masan thỏa thuận 422 tỷ đồng hay TPB có sang tay 365 tỷ đồng… PNJ là mã bị bán mạnh nhất, gần 60 tỷ đồng.