Một máy bay trực thăng hạ cánh trên sân bay Nhân Cơ vào tháng 3-2022 - Ảnh: T.N.
Ngày 31-5, ông Nguyễn Nhân Bản, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông, cho biết đoàn công tác của tỉnh này vừa làm việc với Bộ Giao thông vận tải và đề xuất đưa sân bay Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, Đắk R’Lấp) vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2030 - 2050 với tư cách là sân bay lưỡng dụng.
Theo ông Bản, trước đó vào tháng 3-2021, UBND tỉnh Đắk Nông từng đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ, trước mắt đầu tư xây dựng sân bay quân sự trên cơ sở tận dụng và mở rộng sân bay Nhân Cơ trước đây để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ở lần trước, sân bay Nhân Cơ chưa đạt được một số tiêu chí cơ bản như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu việc làm, nhu cầu đi lại,... Ở lần đề xuất này, theo ông Bản, sau khi Tỉnh ủy Đắk Nông làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đi thực địa, kiểm tra, xem xét và nhận thấy cần thiết phải quy hoạch một sân bay lưỡng dụng, kết hợp hai yếu tố quốc phòng và dân sự.
Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã có văn bản đồng ý với đề xuất quy hoạch sân bay của tỉnh Đắk Nông, đồng thời đề nghị tỉnh có đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng xem xét đưa vào quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030 - 2050.
Ngay sau khi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về đề xuất trên.
Ông Bản nhận định Đắk Nông hiện có 130km đường biên giới với Campuchia. Hiện ở phía Campuchia cũng đang sử dụng sân bay, tỉnh Đắk Nông đã căn cứ vào 2 yếu tố phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đảm bảo an ninh quốc phòng trong tương lai để đưa ra đề xuất các bộ ngành xem xét.
Hiện Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải đường bộ, ngoài ra chưa có thêm các phương thức vận tải khác được đầu tư. Điều này tạo ra nhiều hạn chế cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Giai đoạn này chỉ là đề xuất đưa vào quy hoạch với định hướng lâu dài ở giai đoạn 2030 - 2050 nên khi cần đầu tư, lập dự án các đơn vị sẽ tính toán đến vấn đề hiệu quả khai thác, trong đó có vấn đề về lợi ích kinh tế và cả quốc phòng - an ninh. Hơn nữa ở giai đoạn 2030 - 2050, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông sẽ ở một mức tăng trưởng khác. Khi đã có sẵn trong quy hoạch thì đến giai đoạn sau, khi cần thiết đầu tư, lập dự án thì mới có cơ sở để đề xuất tiếp", ông Bản giải thích.
Theo dự thảo, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động (gồm sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương), mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km.
TTO - Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung của quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giao thông vận tải trình.
Xem thêm: mth.72063219013502202-oc-nahn-gnud-gnoul-yab-nas-hcaoh-yuq-taux-ed-2-uht-nal-gnon-kad/nv.ertiout