Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc không bắt buộc áp dụng, tuy nhiên cơ quan chức năng khuyến nghị áp dụng tại tất cả loại hình doanh nghiệp và đặt dưới dạng nội quy lao động hoặc quy định riêng trong phụ lục nhằm làm "trong sạch" môi trường làm việc - Ảnh minh họa: TTO
Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến bộ ngành liên quan Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Những hành vi được xem là quấy rối tình dục
Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc được định nghĩa là hành vi "có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác mà đối phương không mong muốn hoặc không chấp nhận".
Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức.
Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất như có hành động, cử chỉ, tiếp xúc cơ thể hoặc cố tình động chạm, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp... cho tới cưỡng dâm, hiếp dâm.
Quấy rối bằng lời nói trực tiếp, qua điện thoại, phương tiện điện tử có nội dung tính dục, kể truyện cười gợi ý về tình dục, có lời lẽ khiếm nhã về trang phục, cơ thể của người nào đó khi có mặt hoặc nhằm vào họ, mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục...
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Ngược lại, các hành vi không được coi là quấy rối tình dục bao gồm khen ngợi, khích lệ thông thường. Còn hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em) được đối phương đáp ứng lại dù không được xem là quấy rối nhưng có thể vi phạm kỷ luật lao động doanh nghiệp nếu có trong nội quy công ty.
Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, dạng trao đổi như gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích, hoặc không nhằm mục đích trao đổi nhưng khiến môi trường làm việc khó chịu và bất an. Do đó, các hành vi này cần ngăn chặn, phòng ngừa qua các quy tắc cụ thể.
Người dân nói gì?
Chị Linh Nguyễn (nhân viên văn phòng, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy một số quy định trong dự thảo bộ quy tắc này chưa hợp lý, chưa phù hợp với môi trường công sở. Chẳng hạn, một cái nháy mắt bạn bè trêu nhau thì không thể tính là hành vi quấy rối tình dục. Trang phục ở nhiều cơ quan quy định rất cởi mở nên chuyện chị em phụ nữ mặc váy ngắn không thể là nguyên nhân để cánh đàn ông trêu ghẹo, nặng hơn là quấy rối tình dục".
Theo chị Linh, hành vi quấy rối nơi công sở rất khó xử lý nếu khổ chủ không trình bày, không nói ra, cộng với bằng chứng thì phải có ghi âm hoặc camera ghi hình. "Nếu dự thảo áp dụng rộng rãi dễ gây mất đoàn kết trong doanh nghiệp, mọi người dè chừng nhau hơn, không còn cởi mở, thân thiện với nhau".
Còn chị Hải Lê (nhân viên tài chính, Hà Nội) cho hay nháy mắt thể hiện sự thân thiết, kể cả quy tắc nêu nháy mắt gợi tình thì thực tế người bị hại có thể nói với những ai để xử lý, vì không có chế tài nên doanh nghiệp cũng sẽ "lờ đi".
Anh Nguyễn Quang (23 tuổi, nhân viên hành chính) cho rằng bộ quy tắc sẽ tăng nhận thức của mọi người, cụ thể hóa các hành vi quấy rối tình dục để tránh việc "mù mờ" khi tranh cãi đó có phải tấn công tình dục hay không.
Theo Bộ luật lao động 2019, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu bị quấy rối tình dục. Nếu sử dụng từ 10 lao động trở lên, doanh nghiệp phải ban hành nội quy lao động bằng văn bản, trong đó có phòng chống và trình tự xử lý hành vi quấy rối tình dục.
TTO - Chủ tịch kiêm giám đốc vận hành (COO) của hãng công nghệ vũ trụ SpaceX - bà Gwynne Shotwell đã bảo vệ Elon Musk trong một bức thư điện tử gửi nhân viên, bác bỏ những cáo buộc quấy rối tình dục nhắm vào tỉ phú này.