Khách tò mò trải nghiệm dịch vụ mới
Chiều 30-4, chị Nguyễn Thùy Dương (28 tuổi, quận Phú Nhuận) có hẹn với bạn đi mua sắm, cà phê tại khách sạn Caravelle ở quận 1. Thay vì đặt xe công nghệ, taxi thông thường, chị Dương trải nghiệm dịch vụ mới taxi điện.
Khi mở app Taxi Xanh SM, chị đặt vị trí đón tại đường Trường Sa đến địa điểm đường Lam Sơn, giá cước hiển thị 55.000 đồng/cuốc. Cách thức gọi xe thuận tiện như app xe công nghệ. Nhấn vào nút xác nhận đặt xe, tài xế ngay lập tức gọi điện xác nhận. Khoảng 5-10 phút, xe điện màu xanh 4 chỗ đã đến nơi đón khách.
Chị Dương ấn tượng khi bước vào xe, câu đầu tiên tài xế giới thiệu: "Chào quý khách, em tên Việt. Nhiệt độ trong xe có mát không, nếu cần thêm gió chị nói em nhé". Trải nghiệm đầu tiên với taxi điện là không có tiếng ồn động cơ, xe sạch và không có mùi.
Theo chia sẻ của tài xế, ngày đầu tiên hoạt động chở khách, nhiều người dân tò mò đặt trải nghiệm đi chơi, ăn uống, cà phê. Các khu vực có lượng khách đặt nhiều như trung tâm thương mại và khu vực quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh...
Vận hành của taxi điện có nhiều điểm khác biệt so taxi thông thường và xe công nghệ. Khách hàng quan tâm về mức giá taxi điện cạnh tranh so với loại hình vận tải taxi khác.
Giá mở cửa là 20.000 đồng cho 1km đầu tiên. Với taxi tiêu chuẩn - GreenCar, giá cho 24km tiếp theo là 16.000 đồng/km. Từ km 26 trở đi, giá là 14.500 đồng/km. Taxi tiêu chuẩn dùng mẫu VF e34 sơn màu xanh Cyan đặc trưng, thời gian tới sẽ bổ sung VF 5 Plus vào loại hình.
Giá dịch vụ tại TP.HCM nhỉnh hơn một chút so với Hà Nội, mức chênh lệch từ 500 đồng đến 2.000 đồng.
Với dịch vụ LuxuryCar, 100 xe VF 8, giá cố định 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
So sánh với taxi Mai Linh: giá mở cửa 20.000 đồng/1,28km. Ở mỗi km tiếp theo, tùy vào số ghế và kích thước xe thì có mức giá khác nhau. Với dòng 5 chỗ cỡ nhỏ 14.500 đồng/km; 5 chỗ 16.000 đồng/km, 7 chỗ 17.000 đồng/km...
Với taxi Vinasun, giá mở cửa tính 11.000 đồng/0,5km áp dụng cho dòng 5 chỗ và 12.000 đồng/0,5km cho dòng 7 chỗ. Từ km 31 trở đi tính lần lượt 14.500 đồng/km và 17.100 đồng/km.
Trong khi đó, so sánh với giá của taxi công nghệ GrabCar là 25.000 đồng/2km. Mỗi km tiếp theo có giá 10.000 đồng. Grab cũng tính thêm một số phụ phí theo thời tiết, giờ cao điểm. Dù vậy, xe công nghệ có thêm những mã khuyến mãi, giá cước đủ sức cạnh tranh hơn taxi điện.
Tài xế lo xa trạm sạc
Nhiều tài xế xe điện cho hay khởi động chạy đón khách từ sáng tới trưa đã hết 40% pin. Nếu chạy đến chiều tối, khả năng pin xuống dưới 20% là phải đi sạc.
Thời gian sạc nhanh khoảng một tiếng. Điều tài xế lo ngại là gần hết pin nhưng đang ở vị trí xa các trạm sạc sẽ khó xử.
"Anh em cũng mong công ty triển khai thuật toán xin điều hướng như xe công nghệ sẽ tốt hơn nhiều. Chẳng hạn, tài xế đang ở Bình Tân, bấm nút xin nhận chuyến về khu vực tài xế mong muốn. Khi có khách đặt, ứng dụng sẽ ưu tiên nổ cuốc cho tài xế", một tài xế nêu.
Ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc GSM - cho hay hiện tại tài xế taxi tận dụng các trạm sạc của VinFast, chủ yếu tại các trung tâm thương mại. Tài xế được khuyến khích sạc vào giờ thấp điểm để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu của các chủ xe khác.
Bên cạnh VinFast có hãng taxi điện, nay hãng taxi thông thường có quy mô khá lớn trên thị trường là Vinasun cho hay cũng đang tính đến taxi điện và khẳng định đây là một chỉ tiêu trong năm nay.
Xem thêm: mth.84162808103403202-mas-aum-ehp-ac-id-ex-tad-hcahk-mch-pt-o-yahc-neid-ixat-uad-yagn/nv.ertiout