Giá sầu riêng "lao dốc"
Chỉ trong một thời gian ngắn, giá sầu riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quay đầu giảm mạnh, từ mức 130.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đem lại lợi nhuận khá cho người nông dân.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với KTSG Online, ông Phạm Thanh Nhã, hộ nông dân trồng sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác nhận, đối với sâu riêng RI6 hiện được thương lái thu mua tại vườn (mua xô) có giá chỉ còn 50.000 đồng/kg, tức giảm 90.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục ghi nhận cách đây không lâu.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) – một trong những đơn vị thu mua sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho biết giá sầu riêng RI6 ở ĐBSCL hiện được thương lái mua xô tại vườn chỉ còn 50.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục 130.000-140.000 đồng/kg được thiết lập cách đây không lâu.
Còn với sầu riêng Monthong (sầu riêng Thái), trước đó có giá 160.000-170.000 đồng/kg, thì hiện thiếu hụt nguồn cung nên chưa có giá thu mua.
Theo ông Lộc, hiện đơn vị này vẫn chưa dám mua vào vì đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc vẫn chưa “chốt giá”. “Phía Trung Quốc phải chốt giá, ví dụ 60.000 đồng/kg, thì mình mới có căn cứ để tính toán mua vào từ người nông dân để làm sao có hiệu quả”, ông giải thích.
Cũng theo ông Lộc, giá sầu riêng sụt giảm mạnh do hiện đang vào mùa (vụ thuận), nguồn cung không riêng ở Tiền Giang, mà các địa phương khác như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và khu vực miền Đông Nam bộ đều tăng cao. “Thậm chí, hiện phía Thái Lan cũng đang có nguồn cung nên khiến giá giảm mạnh”, ông cho biết và giải thích, do nguồn cung dồi dào nên các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc không nóng vội thu mua.
Ông Lộc cho biết thêm ở ĐBSCL, mỗi công đất (1.000 m2) trồng được 20 cây sầu riêng, trong khi đó, chi phí đầu tư từ sau khi thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại là khoảng 1,2 triệu đồng/cây, tương đương khoảng 25 triệu đồng/công. “Như vậy, với năng suất trồng đạt là 2 tấn/công, thì với giá bán như hiện nay (50.000 đồng/kg), nông dân thu được 100 triệu đồng/công, tức đạt lợi nhuận khoảng 75 triệu đồng/công (sau khi đã trừ chi phí đầu tư 25 triệu đồng- PV) hay đạt 750 triệu đồng/héc ta”, ông cho biết.
Tây Nguyên cũng là một trong những vùng trồng nhiều sầu riêng ở nước ta. Ông Nguyễn Xuân Quang ở xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có hơn 8 sào rẫy trồng cà phê xen sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh. Trước vấn đề giá sầu giảm mạnh thời gian qua, ông Quang nhấn mạnh, với 80 cây sầu riêng, 700 cây cà phê, mỗi năm thu được hơn 700 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chủ yếu từ sầu riêng.
Vụ vừa rồi, ông Quang thu hơn 12 tấn sầu riêng, giá bán trên 42.000 đồng/kg tại vườn, thu được trên 500 triệu đồng. Ông đã dồn vốn và vay thêm ngân hàng mua 1,2 ha đất để trồng 200 cây sầu riêng xen với 800 cây cà phê, hy vọng sẽ có lợi nhuận cao.
“Giờ chủ yếu chỉ có cây cà phê và cây sầu riêng, mà cà phê thì giá không bao nhiêu, phân bón lại tăng gấp đôi, nên thu nhập không đáng kể. Trước mắt, sầu riêng có giá thì cứ trồng đã”, ông Quang nói.
Theo đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt đạt 56,9 triệu đô la Mỹ, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính khi chiếm đến 83% kim ngạch xuất khẩu.
Cố gắng "vượt thách thức" nhà vườn vẫn đảm bảo lợi nhuận
TTXVN đưa tin, hiện địa bàn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất của tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ. Đầu vụ giá cao, đến nay tuy đã giảm nhẹ nhưng nhà vườn vẫn đảm bảo lợi nhuận khá cao.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, hiện nhiều nông hộ kết thúc sớm vụ thu hoạch sầu riêng, với năng suất ước đạt 25- 30 tấn/ha, tăng 5 - 10 tấn so với các niên vụ trước. Hiện giá sầu riêng dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, giảm hơn so với đầu vụ 20 - 30 nghìn đồng/kg; nguyên nhân trùng do nhiều địa phương như Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ,… đang bước vào vụ thu hoạch rộ.
Thị trường sầu riêng thời gian qua biến động, ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện địa phương có trên 1.000 ha trồng sầu riêng; trong đó, trên 2/3 diện tích đang cho trái. Tuy giá sầu riêng hiện tại giảm nhưng vẫn cao hơn giá cùng kỳ những năm trước và bảo đảm mức lợi nhuận cho nhà vườn. Sầu riêng là loại cây trồng đặc sản ở Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 1.257 ha; trong đó, có hơn 50% diện tích đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm ước đạt trên 12.000 tấn; tập trung ở các xã Xuân Hòa, Ba Trinh (huyện Kế Sách), chủ yếu các giống Ri6 và Monthong.
Để đảo bảo quyền lợi cho người nông dân, hiện nhà vườn ở Sóc Trăng đã thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường chủ yếu xuất khẩu Trung Quốc. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng giá trị sầu riêng của tỉnh với thị trường quốc tế. Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng đang chuyển giao cho các nhà vườn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt tuân thủ các quy định về xuất khẩu.
Khuyến cáo không nên mở rộng diện tích trồng sầu riêng ồ ạt
Theo số liệu trên Đầu tư, cả nước hiện có trên 110.000 ha sầu riêng, vượt 35.000 ha so với định hướng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích loại cây này đã chạm ngưỡng 22.500 ha, vượt quy hoạch gần 7.500 ha, được trồng chủ yếu ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Hồ, Ea H’leo. Sản lượng sầu riêng niên vụ vừa qua đạt khoảng 170.000 tấn, doanh thu trên 9.500 tỷ đồng.
Sầu riêng mặc dù lại lợi nhuận, nhưng việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng sầu riêng đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đắk Nông, hiện nay diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, khi người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở vùng không phù hợp; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng môi trường đất, chưa bảo đảm chất lượng của sản phẩm; giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ xảy ra dịch bệnh, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo đó để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm sầu riêng hướng đến thị trường xuất khẩu, người nông dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích, lựa chọn giống phù hợp, bảo đảm chất lượng. Các cấp, ngành chức năng cần rà soát, thống kê diện tích, nghiên cứu thị trường, kịp thời có định hướng, quy hoạch và khuyến cáo cho người trồng, tránh rủi ro khi thị trường, giá cả đổi chiều.
Trúc Chi (t/h)