Sự thay đổi tư duy, làm mới chính mình là định hướng sống còn với một doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó Tổng giám đốc Vũ Xuân Hồng của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã chứng khoán: LAS) cho biết, việc đầu tư nghiên cứu, đưa ra thị trường các sản phẩm mới tiên phong là chiến lược tạo sức cạnh tranh và đồng hành lâu dài cùng người nông dân.
Hướng tới ngành nông nghiệp bền vững
Mới đây, hai nhóm sản phẩm mới gồm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao được Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chính thức ra mắt - tiếp tục đánh dấu bước phát triển nhảy vọt khi nghiên cứu thành công và ứng dụng cấy vi sinh vào phân bón vô cơ, hữu cơ. Như vậy, cùng với sản phẩm NPK-S hàm lượng cao thế hệ mới, Hữu cơ khoáng và Supe lân vi sinh Lâm Thao ra mắt trên thị trường vào các năm 2021 - 2022, Supe Lâm Thao tiếp tục xây dựng hệ sinh thái sản phẩm phân bón chứa vi sinh, hướng tới phát triển bền vững.
"Với chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, sản phẩm phân bón của Supe Lâm Thao đã xây dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế. Nền tảng của doanh nghiệp là đầu tư cho chất lượng. Vì vậy, dù thị trường cạnh tranh khốc liệt, có nhiều loại phân bón, chúng tôi vẫn đứng vững, được bà con nông dân đón nhận" - ông Hồng chia sẻ.
* Với một doanh nghiệp có hơn 60 năm xây dựng, hẳn là sự thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, thưa ông?
- Hiện trên thị trường có nhiều loại phân bón, do đó làm sao để thay đổi liên tục, đưa ra các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường là rất cần thiết. Dòng phân bón vi sinh đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhưng làm sao để tạo ra sự khác biệt với dòng sản phẩm này là vấn đề khác.
Để làm được, chúng tôi liên kết với các nhà khoa học ở các trường, viện nghiên cứu. Điển hình, vừa qua công ty phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa) cùng Công ty Biowish Việt Nam (thuộc Tập đoàn Biowish của Mỹ) nghiên cứu công thức và công nghệ sản xuất để đưa vi sinh vật có ích là dòng Bacillus vào phù hợp với môi trường sống của nhóm phân bón NPK- S Lâm Thao và Phân bón Hữu cơ khoáng Lâm Thao.
Sản phẩm của chúng tôi sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công đã mang lại sự khác biệt. Đó là việc ngoài cung cấp các vi sinh hữu ích, chất dinh dưỡng, còn giúp cải tạo đất, cảo tạo môi trường đất ở Việt Nam vốn bị bạc màu, ô nhiễm và chua phèn. Sau hơn hai năm vừa nghiên cứu sản xuất, vừa khảo nghiệm đánh giá đầy đủ trên các loại cây trồng khác nhau, hai nhóm sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao gồm sáu loại của công ty đã ra mắt thị trường.
Bao gồm sản phẩm: NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 5-10-3 8S; NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 12-5-10 14S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 13-13-13 4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-8-16 4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-16-8 6S và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao 3-5-2 2S TE đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) kiểm tra, thẩm định, đánh giá và cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Bà con nông dân đón nhận tích cực
* Để có được hệ sinh thái sản phẩm phân bón chứa vi sinh như trên, đó là hành trình như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi mất tới ba năm để nung nấu ý tưởng và khi nhìn thấy xu thế thị trường phù hợp với dòng sản phẩm này, công ty đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu. Đặc biệt, việc đưa chủng vi sinh vật vào trên nền sản xuất phân vô cơ là một nghiên cứu ứng dụng từ sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, lại càng cần thời gian.
Do đó, Supe Lâm Thao lựa chọn liên doanh là một công ty của Mỹ. Chúng tôi được chuyển giao công nghệ và đối tác đã cùng giám sát thực hiện. Sản phẩm qua nhiều lần thí nghiệm, trên cơ sở kết hợp phân bón vô cơ, hữu cơ với các chủng vi sinh vật Bacillus hữu ích để tạo giải pháp dinh dưỡng hoàn hảo cho cây trồng, vừa đem lại hiệu quả vượt trội cho sản xuất nông nghiệp.
Đó là giúp cải tạo đất, tăng độ xốp, mùn, độ phì nhiêu của đất, tạo hệ sinh vật có lợi trong đất, kích thích rễ cây phát triển, nâng cao sức đề kháng của cây trồng trước các loại sâu bệnh. Đồng thời, tăng sức chống chịu cho cây trồng trong điều kiện phèn, mặn và ngộ độc hữu cơ; giúp giảm lượng phân bón sử dụng, tăng năng suất và chất lượng nông sản từ 10-20% - theo đánh giá của Viện Thổ nhưỡng nông hóa.
Quá trình này chúng tôi thực nghiệm gần 2 năm mới được cấp phép chứng chỉ, các bộ ngành liên quan cấp chứng nhận. Điều quan trọng nhất là khi đưa ra thị trường, sau khi công ty làm các mô hình trình diễn với từng loại cây trồng ở các vùng đất khác nhau, tuyên truyền quảng bá sản phẩm, bà con nông dân đón nhận tích cực. Với các dòng sản phẩm mới đã ra mắt, lượng tiêu thụ khá triển vọng và kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn trong những mùa vụ tới.
Khuyến khích đầu tư sản phẩm mới
* Từ kinh nghiệm phát triển các dòng sản phẩm mới theo hướng bền vững, ông có kiến nghị gì để Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp?
- Đầu tư phát triển sản phẩm mới thì chi phí lớn. Tuy nhiên, công ty chúng tôi có một nền tảng tốt, đầu tư trên nền sẵn có. Nhờ vậy, khi có sản phẩm mới sẽ giảm được giá thành. Đến nay các dòng sản phẩm phân bón vi sinh mới chỉ công ty Supe Lâm Thao sản xuất, người nông dân vẫn lựa chọn vì chất lượng và tính bền vững cho lâu dài. Khi mở rộng quy mô sản xuất, chiếm lĩnh thị trường rồi, chúng tôi hi vọng mức giá sẽ phù hợp hơn.
Do đó, chúng tôi mong muốn Nhà nước có những hỗ trợ trong nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, có cơ chế đặc thù riêng khuyến khích đầu tư sản phẩm mới, nếu không, nghiên cứu sẽ chỉ nằm trên giấy.
Có cơ chế chính sách để các đơn vị ưu tiên dòng sản phẩm này trong tiêu thụ, các tỉnh và địa phương có những tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm công nghệ, hỗ trợ làm thị trường, giúp người dân nhận biết được sản phẩm chất lượng cao, vì để bà con nông dân tự mua là khó vì giá thì sẽ rẻ hơn, đồng hành với nhà sản xuất làm thị trường.