Nhóm công ty chứng khoán là bộ phận gắn liền với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó, khi thị trường có dấu hiệu đi lùi, nhóm cổ phiếu này cũng ghi nhận tình hình kinh doanh đi xuống rõ rệt.
Trong quý đầu năm 2023, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với quý I/2022, nguyên nhân chủ yếu được các công ty đưa ra là do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh gây ảnh hưởng tới doanh thu các hoạt động kinh doanh chính như môi giới chứng khoán và cho vay. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm cũng ảnh hưởng tới doanh thu mảng hoạt động tự doanh.
Theo danh sách lợi nhuận sau thuế một số công ty chứng khoán được Người Đưa Tin thống kê, phần lớn đều có mức giảm lợi nhuận từ 40 - 65%, gồm Chứng khoán MB (MBS) giảm 40%; Chứng khoán KIS Việt Nam giảm 43%; Chứng khoán VPS giảm 51%; Chứng khoán Mirae Asset (MAS) giảm 55%; Chứng khoán TP HCM (HSC) giảm 56%; và Chứng khoán Kỹ thuơng (TCBS) giảm 64%.
Công ty có mức sụt giảm lợi nhuận ít nhất là Chứng khoán SSI với 30% lợi nhuận chênh lệch so với quý I/2022.
Trong khi đó, công ty có mức sụt giảm lợi nhuận lớn nhất đến 82% là Chứng khoán VNDirect (VNDS) và Chứng khoán Vietcap (Vietcap); 87% đối với Chứng khoán SHS; 96% là mức chênh lệch lợi nhuận của Chứng khoán VIX.
Cụ thể, Chứng khoán SSI báo lãi sau thuế đạt 481 tỷ đồng, giảm 29,7% so với quý I/2022. Trong đó, doanh thu hoạt động giảm 26% xuống mức 1.439 tỷ đồng, trong đó lãi FVPTL nhích nhẹ lên 679 tỷ đồng song lãi từ cho vay và phải thu giảm phân nửa xuống còn chưa tới 340 tỷ đồng. Doanh thu môi giới cũng giảm sâu 57% xuống còn 257 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặc dù vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi, nhưng so với toàn ngành chứng khoán, SSI là công ty có mức lãi cao nhất trong quý I/2023.
Ngược chiều, Chứng khoán VNDirect bất ngờ báo lãi sau thuế giảm tới 82% so với cùng kỳ, từ mức 762 tỷ xuống còn 140 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lãi cho vay và môi giới chứng khoán, trong khi hai mục này là nguồn thu lớn nhất của VNDirect nhiều năm gần đây.
Theo đó, doanh thu từ hoạt động môi giới quý I/2023 chỉ thu về gần 146 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ. Doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành cũng chỉ bằng 1/10 cùng kỳ, mang về 7,6 tỷ đồng và lãi từ các khoản cho vay cũng giảm gần nửa còn 249 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thu nhỏ nguồn doanh thu, các khoản chi phí tài chính cũng tăng mạnh do áp lực lãi vay. Chi phí lãi vay quý I của VNDirect đạt 390 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, và tăng 6,5% so với quý IV/2022, qua đó liên tiếp lập mức cao mới.
Tương tự, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Vietcap đạt gần 500 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 32% xuống 155,4 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 21% xuống còn hơn 155,4 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chứng khoán giảm 75%, còn gần 89 tỷ đồng.
Ngược chiều, chi phí hoạt động của VCSC tăng gần 70% lên mức 235 tỷ đồng, trong đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng 9% lên hơn 95,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản chi phí từ các mảng tự doanh, môi giới chứng khoán và tư vấn tài chính cũng tăng lần lượt 244%, 121% và 662% so với cùng kỳ. Khấu trừ mọi khoản chi phí, Chứng khoán Vietcap lãi sau thuế giảm tới 82% so với cùng kỳ, chỉ còn 73 tỷ đồng.
Ngoài một số công ty trong top 10 thị phần trên sàn, các công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm sâu so với quý I/2022, một số cái tên có mức giảm mạnh như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) với mức giảm 87%, Chứng khoán VIX giảm 96%, hai công ty này đều có khoản tự doanh lỗ đến hàng trăm tỷ đồng trong quý I.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Chứng khoán SHS ghi nhận doanh thu đạt 678,5 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ, trong đó lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 39% còn 113,1 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu môi giới chứng khoán, doanh thu lưu ký chứng khoán và doanh thu hoạt động tư vấn tài chính cũng giảm lần lượt 75%, 38% và 98% so với quý I/2022.
Ngoài ra, Chứng khoán SHS lỗ ròng từ bán các tài sản tài chính 476,5 tỷ đồng. Trong danh mục FVTPL tính đến ngày 31/3, khoản đầu tư vào cổ phiếu của công ty đang lãi nhẹ 5,3%, tương đương 117 tỷ đồng. Tuy nhiên, với danh mục AFS (toàn bộ là cổ phiếu) lại đang lỗ 9,4%, tương đương 63,5 tỷ đồng. Kết quả, công ty chỉ lãi sau thuế gần 41 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ.
Tương tự, trong quý đầu năm, Chứng khoán VIX lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 10 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 có mức lợi nhuận 268 tỷ đồng. Nguyên nhân do mảng tự doanh lỗ ròng 190 tỷ đồng cùng nguồn thu từ mảng môi giới cũng giảm hơn 80% còn 13 tỷ đồng.
Hơn thế nữa, công ty còn chịu mức lỗ ròng từ bán các tài sản tài chính 9,6 tỷ đồng. Trong danh mục FVTPL tại ngày 31/3, công ty nắm giữ 1.979 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết (đang ghi nhận lỗ 17,7%, tương đương 351 tỷ đồng), 671 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết (lãi 29,8%, tương đương hơn 200 tỷ đồng),...
Mức giảm lợi nhuận nhẹ hơn, Chứng khoán Techcombank (TCBS) và Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cũng ghi nhận lợi nhuận đồng loạt sụt giảm trên 55%, lần lượt đạt 333 tỷ đồng và 124 tỷ đồng.
Trong khi đó, Mirae Asset báo lãi trước thuế đi lùi 55% còn 128 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu hoạt động sụt giảm 25% xuống 562 tỷ đồng.
Theo bản giải trình của những công ty chứng khoán trên, hầu hết đều đưa ra nguyên nhân cho sự sa sút của lợi nhuận bởi tác động tiêu cực của thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm 2023.
Với độ nhạy cảm cao với thị trường, các mảng hoạt động tự doanh, môi giới, ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán chịu ảnh hưởng tương đối mạnh, kể cả với những tên tuổi lớn, khi thị trường chứng khoán ảm đạm và nhà đầu tư đều mang tâm lý thận trọng.