Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan với lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 200 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm.
Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 607,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 112,6 tỷ đồng tăng 73,22% so với cùng kỳ nhờ tăng từ thu dịch vụ thanh toán.
Mặt khác, hoạt động kinh doanh ngoại hối chỉ mang về cho ngân hàng 575 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước do tăng chi phí từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ đến 97 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi từ hoạt động khác ghi nhận gần 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 3 tỷ đồng, nhờ thu được khoản nợ khó đòi đã xử lý bằng dự phòng rủi ro gần 15 tỷ đồng.
Kỳ này, ngân hàng trích lập gần 87 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 7% so với cùng kỳ, do đó KienlongBank mang về hơn 202 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 59%.
Như vậy, tính đến hết quý đầu tiên của năm, KienlongBank đã hoàn thành 28% so với kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra.
Kỳ này, tổng huy động vốn và dư nợ tín dụng của KienlongBank lần lượt đạt mức 77.576 tỷ đồng và 46.710 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của KienlongBank là 85.739 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,33%.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp gần 3 lần, đạt gần 217 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm nhẹ khiến tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay cũng giảm nhẹ xuống mức 1,33%.
Vừa qua, KienlongBank đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 27/04/2023. Theo đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 700 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến tăng lên 86.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động vốn dự kiến đạt 78.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15,39%, đạt mức 52.500 tỷ đồng và tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng trong năm 2023, KienlongBank sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hỗ trợ nhóm khách hàng cá nhân (KHCN) và khách hàng doanh nghiệp (KHDN), trong đó chủ trương theo hướng tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… với gói tín dụng ưu đãi lên tới 5.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất giảm tới 2%.