Biểu tình Ngày Quốc tế lao động ở Pháp: hơn 100 cảnh sát bị thương
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết ít nhất 108 cảnh sát bị thương trong các cuộc đụng độ trên khắp nước Pháp với những người biểu tình tức giận với luật cải cách hưu trí. Ông Gérald Darmanin cho biết số lượng lớn cảnh sát bị thương như vậy là cực kỳ hiếm.
Ông cũng nói thêm, 291 người biểu tình đã bị bắt vì gây hỗn loạn. Theo Đài BBC, hàng trăm ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình Ngày Quốc tế lao động 1-5 phản đối các cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.
Hầu hết là các nhóm biểu tình ôn hòa nhưng cực đoan đã ném bom xăng và pháo hoa vào lực lượng an ninh.
Cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và vòi rồng.
Ngày đầu tháng 5 ở Pháp
Tình báo Mỹ ước tính Nga mất 20.000 quân ở Bakhmut
Ngày 1-5, Nhà Trắng công bố một ước tính tình báo cho rằng quân đội Nga mất khoảng 20.000 quân nhân và có thêm 80.000 quân nhân bị thương trong 5 tháng qua trong cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine ở khu vực Bakhmut.
Người phát ngôn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng con số do tình báo Mỹ cung cấp.
Một nửa trong số những người chết thuộc nhóm đánh thuê Wagner. Ông cho rằng cuộc tấn công Bakhmut của Nga đã bị đình trệ và thất bại.
Mỹ có nguy cơ thiếu tiền mặt từ ngày 1-6
Ngày 1-5, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ liên bang có thể thiếu tiền mặt để thanh toán các hóa đơn ngay sau ngày 1-6 nếu không tăng trần nợ công.
Trong thư gửi Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cơ quan này sẽ khó có thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ "vào đầu tháng 6, khả năng sớm nhất là vào ngày 1-6" nếu không có hành động của Quốc hội.
Bà viết: "Các khoản thu và chi của liên bang đã thay đổi. Ngày thực tế Bộ Tài chính sử dụng hết các biện pháp đặc biệt, có thể muộn hơn vài tuần so với những ước tính này".
Bà thúc giục Quốc hội hành động nhanh để tăng giới hạn trần nợ công. Mỹ chạm mức giới hạn vay 31.400 tỉ USD vào ngày 19-1.
Từ đó, bộ trưởng tài chính đã thanh toán các khoản nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt.
Ông Biden triệu tập cuộc họp về trần nợ công
Theo nhiều nguồn tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cho 4 lãnh đạo Quốc hội và mời họ dự cuộc họp ngày 9-5 về vấn đề nâng trần nợ công.
Vấn đề tăng trần nợ công đang là cuộc đấu tranh gay gắt giữa khối Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội.
Đảng Cộng hòa đồng ý nâng trần nợ với điều kiện phải cắt giảm chi tiêu của các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế quốc gia.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, Hạ viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã thông qua dự luật nâng trần nợ, trong đó cắt giảm sâu ngân sách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Hàng trăm tháp kiểm soát không lưu bị đóng cửa để cắt giảm ngân sách.
Dự luật cũng sẽ cắt giảm ưu đãi thuế với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác.
Mỹ - Philippines nói về Biển Đông, eo biển Đài Loan
Trong tuyên bố chung ngày 1-5 sau khi gặp nhau tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ "cam kết vững chắc của họ đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Trong cuộc họp tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ khẳng định với người đồng cấp rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh, kể cả ở Biển Đông nơi Manila đang chịu áp lực từ Trung Quốc, là "vững chắc như sắt thép".
Ông Marcos là lãnh đạo Philippines đầu tiên đến thăm Nhà Trắng sau 10 năm. Chuyến thăm nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đồng minh hiệp ước duy nhất của Philippines trong một khu vực có "tình hình địa chính trị được cho là phức tạp nhất trên thế giới hiện nay".
Mỹ bỏ yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 với người nước ngoài từ ngày 11-5
Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 1-5, Mỹ sẽ ngừng các yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 với nhân viên, nhà thầu liên bang và du khách quốc tế từ ngày 11-5, khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do vi rút SAR-CoV-2 gây ra kết thúc.
Tháng 6-2022, Mỹ bỏ yêu cầu khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng giữ nguyên yêu cầu tiêm vắc xin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) với hầu hết du khách nước ngoài.
Vua Charles III dùng lễ phục đăng quang cũ vì bảo vệ môi trường
Vua Charles III, người đã dành cả đời để vận động cho sự bền vững và chống lại nền kinh tế đồ dùng một lần, sẽ mặc trang phục mà các hoàng đế trước, trong đó có mẹ và ông, từng mặc, trong lễ đăng quang vào tuần tới.
Lễ đăng quang của Vua Charles III, 74 tuổi, sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster, London vào ngày 6-5.
Nhiều vật phẩm trong sự kiện tôn giáo và lịch sử này như vương miện và quyền trượng, có niên đại hàng thế kỷ, nhưng Vua Charles cũng sẽ sử dụng lại một số trang phục đã xuất hiện tại lễ đăng quang từ năm 1821 "vì lợi ích về bền vững và hiệu quả", Điện Buckingham thông báo ngày 1-5.
Trong số lễ phục xuất hiện trở lại sẽ có đôi găng tay đăng quang được làm cho ông nội của ông, Vua George VI.
Lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra đơn giản và ngắn hơn lễ đăng quang của mẹ ông cách đây 70 năm, theo Hoàng gia Anh ngày 9-4.