"THU NHẬP 50 - 100 TRIỆU/THÁNG LÀ BÌNH THƯỜNG"
Một môi giới phòng trọ là chị Thảo Nguyên (23 tuổi) thêm tôi vào nhóm chat Zalo với khoảng 1.000 thành viên gồm chủ nhà trọ, công ty môi giới và các nhân viên sales.
Mỗi ngày, công ty môi giới sẽ đăng vào đó thông tin địa chỉ, diện tích, tiện ích và giá thuê của một số phòng trọ, căn hộ dịch vụ… đang có nhu cầu cho thuê để các môi giới rao tin.
Nhưng đó không phải là group chat duy nhất, rất nhiều group được tạo ra đăng tin phòng cho thuê như vậy.
Những nhân viên sales như Thảo Nguyên sẽ lấy thông tin từ các group này và đăng bài trên các trang mạng xã hội, website bất động sản. Nếu có khách nhắn hỏi thông tin, Thảo Nguyên sẽ tư vấn và dẫn khách xem phòng. Cô gái trẻ này làm nhân viên sales được 1 năm và nghề này, với thu nhập chỉ duy nhất từ nguồn hoa hồng, giúp cô "sống khỏe".
Thảo Nguyên nói: "Tiền hoa hồng là do chủ trọ trả, tùy thương lượng. Nhưng thông thường, nếu khách ký hợp đồng thuê 6 tháng thì sales nhận được 50% giá tiền phòng của 1 tháng, nếu hợp đồng thuê 1 năm thì nhận được 100%. Ví dụ, nếu căn trọ 6 triệu đồng/tháng, môi giới dẫn khách xem, chốt được phòng sẽ được hưởng tiền hoa hồng 3 - 6 triệu đồng tùy thời hạn hợp đồng ký".
Nhưng nhân viên sales có được hưởng trọn số tiền hoa hồng hay không lại tùy vào người đó đang làm cho một công ty môi giới hay là làm việc tự do.
"Nếu làm việc ở công ty thì công ty sẽ làm việc với chủ trọ và thu về toàn bộ tiền hoa hồng. Sau đó mới chia cho nhân viên sales, nhưng thường thì các môi giới chỉ nhận được 60% tiền hoa hồng, số còn lại công ty hưởng", Thảo Nguyên giải thích.
"Vậy thì làm sao để làm việc tự do thu nhập cao hơn?", tôi hỏi.
Thảo Nguyên nói điều này tùy thuộc vào nguồn phòng mà mỗi môi giới có được.
"Hồi mình mới vào làm là do bạn bè giới thiệu. Sau đó được bạn bè thêm vào các group khác, chủ trọ này giới thiệu chủ trọ khác. Từ từ mình tích lũy các nguồn phòng rồi mở rộng địa bàn sale phòng và các loại hình phòng để tăng thêm thu nhập", Thảo Nguyên nói và cho biết thêm: "Đó là do mình có bạn bè giới thiệu làm thêm, còn những người mới vào làm thì thường sẽ làm cho một công ty môi giới nào đó vì công ty nắm rất nhiều nguồn phòng cho thuê".
Ngoài ra, Thảo Nguyên cũng lưu ý rằng làm môi giới tự do nhưng nếu nguồn phòng là do bạn bè giới thiệu thì môi giới cũng sẽ mất phí 10 - 20% cho người giới thiệu đó.
"Thị trường này chia vai trò rất rõ: người có nguồn phòng, người môi giới và người dẫn khách đi xem phòng. Các mức hoa hồng sẽ chia theo thương lượng. Người càng ôm nhiều vai trò thì cơ hội thu nhập càng cao", Thảo Nguyên cho hay.
Nữ nhân viên sales phòng này nói công việc dù nhàn rỗi, nhưng có tính chu kỳ. Tháng 8 - 10 trong năm là thời điểm chốt được nhiều "deal" (giao dịch thành công giữa hai bên) nhất vì sinh viên nhập học đông và các loại phòng cho thuê đa dạng hơn. Còn những tháng bình thường, số lượng "deal" chốt được sẽ phụ thuộc vào công sức của cá nhân môi giới nhưng nhìn chung thị trường sẽ chững lại.
"Do vừa học vừa làm nên mình không đầu tư nhiều. Từ lúc bắt đầu sale phòng tới nay, tháng thấp nhất mình kiếm được là 5 triệu đồng, tháng cao nhất là 15 triệu đồng", Thảo Nguyên kể và nhấn mạnh thêm: "Nếu đầu tư thêm thời gian, tìm nhiều nguồn phòng, nhất là các phòng giá thuê từ 7 triệu đồng/tháng, chăm sóc khách hàng kỹ và đầu tư quảng cáo rao tin trên các nền tảng thì thu nhập 50 - 100 triệu đồng/tháng là chuyện rất bình thường".
Tuy nhiên, Thảo Nguyên cũng không nghĩ mình sẽ theo nghề sale này lâu dài dù công việc linh hoạt và đơn giản. "Nghề này cũng kén và nản vì phải chăm sóc khách hàng dữ lắm, chưa kể thu nhập bấp bênh và không thể thăng tiến trong sự nghiệp", Thảo Nguyên nói.
THUẬT SALE
Lần tìm trong giới sale phòng mới biết có nhiều người đứng hàng "top" sale phòng. Như Phi Long (24 tuổi) hiện vừa làm sale vừa làm đầu tư cho thuê loại hình căn hộ dịch vụ gần Trường đại học Công nghệ TP.HCM - Hutech (Q.Bình Thạnh).
Phi Long kể, những tháng cao điểm, tiền hoa hồng mà Long kiếm được cũng 50 triệu đồng/tháng, song số tiền này sẽ bù cho những tháng không sale được nhiều phòng, như giai đoạn trước tết.
"Nghề này sống là nhờ hoa hồng vốn linh động tùy vào vị trí tòa nhà hay đặc điểm, tiện ích của tòa nhà. Tại những nơi đông sinh viên và lao động thì hầu như chủ trọ truyền thống không cần môi giới vì khách thuê có thể chạy xe rảo quanh tìm phòng được. Nhưng những tháng cao điểm thì chủ trọ buộc phải kiếm môi giới để "chạy" giúp mình. Còn ở thời điểm bình thường, đa số các phòng có môi giới sale "can thiệp" nằm ở phân khúc từ 4 triệu đồng/tháng trở lên", Phi Long kể.
Chia sẻ các "chiêu" sale được nhiều phòng, Phi Long kể rành mạch rằng một bài viết sale phòng phải đảm bảo content (nội dung) vừa đủ thông tin, chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) và hình ảnh phải đẹp.
Các môi giới cũng phải xây dựng thương hiệu cho bản thân trên các trang mạng xã hội để khách thuê lẫn chủ trọ tin tưởng và giới thiệu thêm người cần thuê, nếu có.
Đặc biệt, do nghề này cạnh tranh nhiều, một phòng có thể có nhiều môi giới cùng đăng tin nên các nhân viên sales đầu tư chi phí để chạy quảng cáo, đăng tin trên các group Facebook, các nền tảng bất động sản như batdongsan.com.vn, phongtro123.com, chotot.com... để hút nhiều lượt tương tác của khách hàng.
Làm sale được một thời gian, Phi Long thuê dài hạn một căn nhà và cải tạo nó thành những căn hộ dịch vụ cho thuê. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng bỏ túi hơn 10 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ công việc môi giới.
Tôi thắc mắc vì sao không nghĩ tới việc đầu tư cho thuê các phòng trọ bình dân thì Phi Long nói, thị trường này hiện nay cạnh tranh rất dữ dội. Các nhà trọ theo kiểu truyền thống thì nay tuổi thọ đã cao, nếu muốn cạnh tranh với các phòng xây mới thì phải đầu tư nhưng nay mà đầu tư thì ít nhất 2 năm mới hoàn vốn được.
Trong khi đó, giờ cũng khó xây các dạng phòng trọ truyền thống vì liên quan các vấn đề pháp lý như việc mình có phải là chính chủ mảnh đất hay tòa nhà đó hay không.
NGỠ NGÀNG VỀ… CHÍNH CĂN PHÒNG MÌNH SALE
Khi tôi hỏi các nhân viên môi giới về thị trường thuê phòng, nhà trọ tại TP.HCM hiện nay, họ đều khẳng định giá đắt nhưng chất lượng đôi khi không đi kèm.
Nguyễn Hải là sinh viên năm hai của một trường đại học đã làm môi giới phòng trọ hơn 1 năm với thu nhập từ 6 - 20 triệu đồng/tháng. Theo Hải, khách thuê hiện nay chủ yếu là sinh viên, nhân viên văn phòng, vợ chồng mới cưới. Nhưng khi dẫn khách đi xem phòng, rất nhiều người… hết hồn vì phòng nhỏ xíu nhưng giá cao quá.
"Nhưng không chỉ khách đâu, có những căn em đưa khách coi phòng cũng là lần đầu tiên em đến xem. Nhiều khi em cũng "ớn" giùm vì chất lượng phòng tệ mà giá cao", Hải cười nói.
Theo Hải, phòng trọ có độ phân khúc rất rõ ràng, những phòng 2,5 - 3,5 triệu đồng thường không đẹp, không đủ điều kiện sống. Từ phân khúc 5 - 10 triệu thì phòng rộng hơn và sinh viên có thể ở đông để bớt chi phí.
"Nhưng dù phòng xấu, bất tiện hay loại hình mới hiện nay như sleep box (hộp ngủ) vốn không thuê dài hạn được thì vẫn có khách thuê và hầu như lúc nào cũng kín chỗ. Người thuê có nhu cầu thuê phòng giá thấp vì họ biết rõ họ có thể chi bao nhiêu tiền từ thu nhập. Hiện nay, phòng có cửa sổ hay ban công là giá rất khác nhau rồi, chênh lệch từ 500.000 - 2 triệu đồng/phòng, chưa kể còn bị đội phí dịch vụ lên. Có những căn nhà giá thuê chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng nhưng khi tính các chi phí khác như dịch vụ, điện nước, internet… là lên hẳn 6 triệu đồng/tháng rồi. Bây giờ, nếu muốn thuê rẻ thì chỉ có thể thông qua người quen hoặc ở những nơi mà chủ nhà không phải kinh doanh trọ", Hải nói.
Do vậy, những môi giới phòng, nhà trọ như Hải nhiều lúc buộc phải đăng nhiều tấm hình… ảo. Hải nêu ví dụ, phòng có giá thuê 5 triệu đồng/tháng thì cần rao ảnh của căn giá 6 triệu đồng hoặc có những thuật PR trong nội dung. Có như vậy thì mới hút khách thuê!
(còn tiếp)