Nghị định 07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế ra đời cách đây 2 tháng đã giải quyết cơ bản những "nút thắt" trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, về lâu dài cần có chính sách cụ thể hơn quy định trong luật Đấu thầu.
Nhiều "nút thắt" được tháo gỡ
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM, Nghị định 07/2023 (NĐ07) đã bãi bỏ quy định vướng mắc lớn nhất là quy định không được mua bán trang thiết bị y tế (TTBYT) khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. NĐ07 cũng đã cho phép gia hạn giấy phép TTBYT đến 31.12.2024 và ngay sau đó TTBYT đã được thông quan nhập khẩu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Tương tự, các BV nhìn nhận Nghị quyết 03/2023 (NQ03) đã cho phép các cơ sở y tế được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân bằng các TTBYT do công ty trúng thầu hóa chất cho mượn để thực hiện xét nghiệm, điều trị; cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám chữa bệnh và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được quỹ BHYT thanh toán.
Bên cạnh đó, NQ30 đã giải quyết cơ bản về xây dựng giá gói thầu khi đấu thầu mua sắm TTBYT. Cụ thể, NQ30 cho phép chủ đầu tư, bên mời thầu được xác định giá gói thầu trên cơ sở thông tin báo giá thu thập được không phải chờ đủ 3 báo giá; chủ đầu tư xác định giá gói thầu của hợp đồng tương tự được tăng lên 120 ngày so với 90 ngày theo quy định trước đây. NQ30 cũng cho phép hội đồng kỹ thuật được phép quyết về cấu hình, sau đó mới đến khâu chào giá theo cấu hình, tức đã mở ra cho các nhà chuyên môn quyền mua sắm không dựa vào giá rẻ nhất mà là thiết bị phù hợp nhất…
NĐ07 và NQ30 nhìn chung mới chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trong phạm vi năm 2023 và đầu 2024. Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế vẫn cần nghiên cứu, sớm hoàn thiện và ban hành luật Đấu thầu sửa đổi làm căn cứ pháp luật trong đấu thầu thuốc, TTBYT.
Lãnh đạo một bệnh viện lớn ở TP.HCM
Đánh giá cụ thể ở đơn vị của mình, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết NĐ07 và NQ30 ra đời đã mang lại hiệu quả rõ rệt, một số BV phải thu hẹp hoạt động do khó khăn về thuốc, TTBYT nay đã hoạt động bình thường. "BV Nguyễn Tri Phương thế mạnh là lọc máu, trước khi NĐ07 và NQ30 ra đời thì quả lọc máu, dịch rửa thiếu do các mặt hàng này hết giấy phép, lúc này chỉ dùng hàng tài trợ của cộng đồng. Khi NĐ07 và NQ30 ra đời thì BV mua được liền", bác sĩ Chiến dẫn ví dụ điển hình.
Đại diện BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng nhìn nhận NQ30 đã xác định đơn giá kế hoạch nên khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thuận lợi, có căn cứ pháp lý vững chắc và không lãng phí quá nhiều thời gian. "Nhìn tổng thể, hiện BV đảm bảo được hơn 90% nhu cầu về thuốc, vật tư, TTBYT cho người bệnh, kể cả đối với nhiều trường hợp phát sinh đột xuất và do sự dịch chuyển cơ học của lượng bệnh theo tiến độ cung ứng thuốc tại mỗi cơ sở điều trị", vị này thông tin.
Sửa luật để đảm bảo ổn định lâu dài
Dù đánh giá rất cao hai chính sách vừa ra đời, song lãnh đạo nhiều BV cũng cho rằng cả NĐ07 và NQ30 vẫn còn nhiều điều cần làm rõ, để tránh "nỗi sợ vô hình" khi thực hiện đấu thầu thuốc, TTBYT như vừa qua.
Cụ thể khoản 1, điều 44 NĐ07 quy định: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh TTBYT thực hiện niêm yết giá TTBYT tại các địa điểm theo quy định tại điều 17, NĐ177/2013 ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá hoặc trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế". Quy định này chưa bảo đảm bắt buộc niêm yết giá TTBYT trên cổng thông tin của Bộ Y tế, dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh không nắm được giá TTBYT đã được niêm yết hay chưa, và mua sắm có vượt giá niêm yết hay không. "Do không nắm được giá, nếu mua sắm cao hơn giá niêm yết có vi phạm pháp luật hay không?", lãnh đạo một BV nêu vấn đề.
Tương tự, quy định tại khoản 2 điều 45 NĐ07 nêu: "Căn cứ tình hình thực tế và khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của quỹ BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và hướng dẫn thông tin TTBYT phải kê khai giá". Theo các BV, hiện nay Bộ Y tế chưa ban hành danh mục và hướng dẫn thông tin TTBYT phải kê khai giá nên cơ sở y tế không biết TTBYT nào thuộc diện phải kê khai giá theo quy định để kiểm soát giá kê khai với giá trúng thầu.
Đối với NQ30, một số BV vẫn lo ngại còn có nguy cơ tiềm ẩn "1 báo giá" cho chủ đầu tư, vì không có cơ sở so sánh giá theo quy định của luật Giá và vẫn chưa bắt buộc niêm yết trên cổng thông tin của Bộ Y tế, niêm yết giá, kê khai của TTBYT còn chưa đầy đủ. NQ30 chưa được cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện…
"NĐ07 và NQ30 nhìn chung mới chỉ giải quyết vấn đề cấp bách trong phạm vi năm 2023 và đầu 2024. Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế vẫn cần nghiên cứu, sớm hoàn thiện và ban hành luật Đấu thầu sửa đổi làm căn cứ pháp luật trong đấu thầu thuốc, TTBYT. Cũng cần giải thích rõ từ ngữ, khái niệm để hiểu phạm vi điều chỉnh: thế nào là TTBYT, vật tư có khác với vật tư y tế hoặc vật tư tiêu hao hay không, hóa chất có quan hệ thế nào với hóa chất xét nghiệm, làm thế nào để biết được mặt hàng với tính năng kỹ thuật xác định có bao nhiêu nhà cung cấp ở thị trường VN…", lãnh đạo một BV lớn ở TP.HCM kiến nghị.
Lãnh đạo nhiều BV kiến nghị nên cho phép hội đồng thuốc điều trị, hội đồng khoa học của các BV được phép căn cứ vào mô hình bệnh tật để lựa chọn cấu hình TTBYT, thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phù hợp với tính chất hoạt động của đơn vị mình. Cho phép các BV hạng đặc biệt được phép lựa chọn thương hiệu trong mua sắm theo yêu cầu phát triển chuyên môn, để kịp thời tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trong khu vực và trên thế giới.
Đối với gói thầu dịch vụ bảo trì TTBYT (bảo trì toàn bộ), hiện nay chưa quy định tỷ lệ chi phí là bao nhiêu so với giá trị của thiết bị, giá của dịch vụ này cũng chưa được quy định nào hoặc cơ quan nhà nước nào quản lý, trong khi mỗi hãng đưa ra khác nhau dù cùng chủng loại thiết bị và chi phí này cũng rất lớn. Vì thế, định mức này cũng cần được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật.