Sáng kiến này có tên Quỹ Tài chính đổi mới cho khí hậu ở châu Á - Thái Bình Dương (IF-CAP), được ADB ông bố sáng 2-5, thời điểm khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB tại Incheon (Hàn Quốc).
Tại cuộc họp báo về sự kiện này, Chủ tịch ADB Asakawa Masatsugu khẳng định châu Á - Thái Bình Dương là "tuyến đầu trong trận chiến" với biến đổi khí hậu.
"Các sự kiện khí hậu chúng ta đã trải qua trong 12 tháng vừa rồi sẽ chỉ có thể tiếp tục gia tăng về cường độ và tần suất, vì vậy chúng ta phải hành động mạnh mẽ ngay bây giờ. IF-CAP là một chương trình sáng tạo đầy hứng khởi và sẽ có tác động thực sự. Đó là một ví dụ khác nữa về cam kết của chúng tôi trong việc phục vụ với vai trò là ngân hàng khí hậu cho châu Á - Thái Bình Dương", ông Asakawa nói.
ADB khẳng định đây là một chương trình có tính bước ngoặt trong việc tăng cường hỗ trợ cho các nước trong khu vực trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
IF-CAP được kỳ vọng sẽ giải quyết áp lực lên các ngân hàng trong việc đóng góp vào sáng kiến xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu tại châu Á.
Các đối tác ban đầu của IF-CAP là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Các nước này sẽ đảm bảo một số khoản vay của ADB, chia sẻ các khoản lỗ trong trường hợp các bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Theo ADB, họ đang thảo luận với các đối tác trên về việc cung cấp một loạt khoản viện trợ không hoàn lại để chuẩn bị dự án cùng với bảo lãnh cho một phần danh mục khoản vay chính phủ của ADB. Rủi ro được giảm đi do các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho các dự án khí hậu.
Trong sáng kiến IF-CAP, ADB giới thiệu mô hình "1 USD vào, 5 USD ra", thay vì "1 vào, 1 ra" như bình thường. Điều này đồng nghĩa mỗi USD được bỏ vào sẽ tạo ra 5 USD cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu.
Và với 3 tỉ USD bảo lãnh ban đầu, ADB muốn tạo ra những khoản vay mới lên tới 15 tỉ USD cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Đây được xem là cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài trợ khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng từ trước đến nay.
Các bên hy vọng IF-CAP sẽ đóng góp vào mục tiêu sử dụng 100 tỉ USD từ các nguồn lực của mình cho việc chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019 - 2030.
Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo sáng 2-5, Chủ tịch ADB Asakawa cho biết hiện nay chưa có thông tin cụ thể về việc phân bổ số tiền 15 tỉ USD trong mục tiêu phía trên.
Tuy nhiên, ông khẳng định tất cả các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB đều có thể tham gia chương trình hỗ trợ tài chính này.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.
Chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và đầu tư công, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi chung của suy thoái kinh tế thế giới.