Doanh thu và lợi nhuận của hai "ông lớn" vượt trội so với cùng kỳ
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1-2023 hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 12.898 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 173 tỉ đồng.
Trong ba tháng đầu năm, Vietjet đã khai thác 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 57% và 75% so với quý 1-2022.
Trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14.800 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ 2022.
Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số chuyến bay và lượt khách. Hãng này đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trong quý 1-2023 là 1.053 tỉ đồng.
Trong khi đó, Vietnam Airlines báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1-2023 ghi nhận doanh thu vận chuyển hàng không đạt 23.640 tỉ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn âm 37 tỉ đồng. Như vậy, doanh thu của hãng hàng không quốc gia tăng 202%. Lợi nhuận vẫn âm nhưng so với quý 1 năm trước, HVN lỗ 2.685 tỉ đồng. Trong quý, doanh nghiệp nộp ngân sách 931 tỉ đồng gồm các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp.
Tính đến ngày 31-3-2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 59.600 tỉ đồng. Vietnam Airlines vẫn đang âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỉ, cổ phiếu nằm trong diện bị kiểm soát.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
Hãng bay mới cố gắng "chòi đạp"
Vietravel Airlines và Bamboo Airways vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1-2023. Đặc biệt, Bamboo thậm chí chưa có báo cáo tài chính quý 4-2022 do công ty mẹ là FLC hoãn nộp báo cáo.
Thông tin sơ bộ, trong 3 tháng đầu năm 2023, Vietravel Airlines đã thực hiện thành công gần 1.600 chuyến bay với tỉ lệ an toàn tuyệt đối và tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay trung bình luôn đạt trên 91,2%.
Quý 4-2021 và quý 4-2022, trong khi các "ông lớn" Vietjet và Vietnam Airlines ghi nhận những khoản lỗ nghìn tỉ thì Vietravel đã có lãi trên 200 tỉ đồng. Tỉ lệ cất cánh đúng giờ của hãng cũng xếp thứ 3 sau Bamboo Airways và Pacific Airlines.
Kỳ vọng hàng không sẽ bớt khó
Năm 2022, mở cửa hoàn toàn chỉ trong 9 tháng nhưng ngành hàng không Việt Nam đã đón tiếp 99 triệu lượt khách. Tuy sự phục hồi mạnh mẽ nhưng do giá dầu cao, khách quốc tế đến ít, chi phí tài chính cao... đã tạo ra gánh nặng cho các hãng hàng không.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ trong mảng hàng không tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Theo một số chuyên gia, kỳ vọng hàng không sẽ bớt khó vì đây là ngành chỉ dấu khá quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế. Việc nối lại và mở thêm những đường bay quốc tế, giá dầu hạ nhiệt, lãi suất cho vay giảm... sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ các hãng hàng không trong thời gian tới.
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không Việt Nam yêu cầu xem xét tăng chuyến bay trên các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5.
Xem thêm: mth.50275745120503202-nauhn-iol-ev-auq-touv-ria-tejteiv-ib-gnuhn-nol-uht-senilria-manteiv/nv.ertiout