vĐồng tin tức tài chính 365

Người mẹ cầu cứu khi 'không được chạm' vào con 9 tháng tuổi

2023-05-03 03:28

"Em van xin anh, 25 ngày rồi em chưa thấy con, anh cho em sờ vào con, cho em bế con một giây thôi", người phụ nữ nhắc lại hơn 30 lần trong đoạn video dài bảy phút, quay hồi tháng 11/2022. Giữa đường, người đàn ông liên tục gạt tay, đẩy chị ra xa chiếc xe nôi, bên trong là bé trai khoảng một tuổi.

Đám đông dân cư đứng xung quanh lên tiếng "cho chị ấy bế con đi, con người ta đẻ ra mà".

Người phụ nữ trong video là chị Cấn Thị Thuỳ Dương, 33 tuổi, đang tới xin chồng cũ cho mình gặp con. Chỉ vào màn hình điện thoại đang "chạy" hàng chục video tương tự, chị Dương kể lại hành trình đòi lại con suốt 10 tháng qua trong nước mắt.

Chị Dương và anh Đàm, 43 tuổi, cùng trú thành phố Bắc Ninh. Tháng 8/2020, theo mai mối, họ thành vợ chồng song hôn nhân không dài lâu vì nhiều khác biệt. Họ ly thân từ tháng 7/2021. Chị Dương về nhà bố mẹ đẻ, cách đó vài dãy phố, sinh cháu Hải tháng 9 cùng năm.

Chị gửi đơn ly hôn vào tháng 4/2022. Sau khi sinh, thấy chồng mỗi ngày đến thăm con ngày 3-4 lần, chị rất mừng. "Nhưng tôi bắt đầu lo lắng khi anh bộc lộ ý muốn "độc chiếm". Nhiều lần âm thầm bế con về nhà nội, sáng hôm sau mới trả để bé bú mẹ", chị kể.

Theo chị, ngày 8/5/2021, anh Đàm mang hẳn con về nhà nội, "nói từ nay ở với mình". Bé Hải khi đó 8 tháng tuổi.

Chị Dương thương con bị cai sữa mẹ khi mới 6 tháng tuổi, mong sớm được trả lại quyền làm mẹ. Ảnh: Danh Lam

Chị Cấn Thị Thùy Dương mong sớm được trả lại quyền làm mẹ. Ảnh: Danh Lam

Nhớ lại khoảng thời gian này, chị Dương nói như "hoá dại", mất ngủ triền miền. "Nhắm mắt là như nghe tiếng con khóc, giật mình thức dậy, mình chạy một mạch đến nhà chồng, đập cổng, khóc gọi đòi con trong vô vọng", chị kể.

Dương hút sữa ngày bốn lần, đợi trước cổng nhà bố mẹ chồng để đưa cho con. "Có lần rình cổng mở, mình chạy thục mạng vào trong. Bố mẹ chồng cho mình ôm con, nhưng con đang bú dở, chồng lại giằng ra", Dương kể.

Chị bảo dù người lớn có mâu thuẫn đến đâu, đứa trẻ vẫn có quyền được lớn lên bằng sữa mẹ, vẫn cần tình yêu của cả mẹ và bố. Điều duy nhất Dương có thể làm khi đó, là đếm từng ngày đợi phiên toà ly hôn để nhận phán quyết công bằng.

Tháng 7/2022, TAND thành phố Bắc Ninh tuyên bản án sơ thẩm, chấp thuận hai người ly hôn, tuyên chị Dương có quyền trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Anh Đàm kháng cáo. Hai tháng sau, bản án phúc thẩm TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên y án sơ thẩm. Chị Dương tưởng cuối cùng đã đến ngày được bế con về.

Cầm theo bản án phúc thẩm, chị cùng bố mẹ đẻ và tổ trưởng dân phố, cán bộ Hội phụ nữ phường, đến nhà chồng. Cánh cổng nhà anh vẫn khoá. Ba tháng không được thấy con, chị Dương đứng trước cửa van xin, gọi điện và nhận ra đã bị chồng cũ chặn số.

Ngày 3/10/2022, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh ra quyết định buộc anh Đàm trong 10 ngày, tự nguyện giao cháu Hải cho chị Dương nuôi. Anh không thực hiện nên bị ra quyết định phạt hành chính 3 triệu đồng.

Ngày 29/11/2022, cơ quan này tiến hành cưỡng chế thi hành án tại nhà riêng của anh, có sự chứng kiến và lập biên bản của 15 người: đại diện công an phường, hội phụ nữ phường, cán bộ tư pháp, tổ dân phố...

"Trước đông đủ mọi người, anh vẫn không cho tôi động vào con", chị Dương kể. Cháu Hải khi đó 13 tháng tuổi, xa mẹ đã 6 tháng. Chị Dương cũng tròn 6 tháng ròng rã viết đơn kêu cứu gửi UBND thành phố, UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Lao động Thương binh Xã hội và Hội Phụ nữ tỉnh, thành phố.

"Chuyện của tôi là câu chuyện buồn; buồn vì cách con người đối xử với nhau, quá sức chịu đựng về tâm lý cho người mẹ", chị viết trong đơn.

Trong những ngày tháng ấy, Dương bảo, chỉ ăn chờ ở trực trước cổng các cơ quan công quyền. Chị xếp hàng cả ngày, đợi phiên tiếp công dân của Bí thư Tỉnh uỷ để giãi bày.

"Các cơ quan rất quan tâm giúp đỡ nhưng đứa trẻ không giống như đồ vật mà bảo giằng là giằng lại được", chị Dương nói.

Những lần đến nhà chồng cũ xin gặp con, chị bảo dù bị anh ngăn cấm, sẽ tiếp tục chịu đựng vì không muốn ảnh hưởng con.

Chị Dương nói bị chồng cũ ngăn cản tiếp xúc con trong những lần đến xin gặp. Ảnh: Video nhân vật cung cấp

Chị Dương nói bị chồng cũ ngăn cản tiếp xúc con trong những lần đến xin gặp. Ảnh cắt từ video nhân vật cung cấp

Bà Bùi Thị Hùng Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, cho biết trước và sau khi nhận đơn cầu cứu của chị Dương, Hội Phụ nữ phường cùng các đơn vị liên quan đã 6 lần đến nhà anh Đàm để vận động, hoà giải, 2 lần cưỡng chế thi hành án. "Anh Đàm rất cố chấp", bà nói.

"Việc nuôi dưỡng theo lẽ tự nhiên nên được ưu tiên cho người mẹ, vì con còn nhỏ cần phát triển toàn diện về tâm lý và sức khoẻ. Toà cũng đã đưa ra phán quyết như vậy", bà cho hay.

Sau các lần hoà giải bất thành, Hội Phụ nữ phường gửi văn bản tới cơ quan công an và Hội phụ nữ tỉnh, thành phố, kiến nghị giải quyết nhanh và dứt điểm sự việc. "Càng để lâu, càng ảnh hưởng đến người mẹ và cháu nhỏ. Hai mẹ con không được gặp nhau quá lâu rồi", bà nói.

Trả lời VnExpress, đại diện Chi cục thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh nói gặp rất nhiều khó khăn khi thi hành bản án này. "Việc cưỡng chế một đứa trẻ không như cưỡng chế tài sản. Người chồng kiên quyết không giao con, khiến cán bộ thi hành án rất vất vả".

Vị này cho hay, theo quy định, sau cưỡng chế và phạt hành chính, nếu anh Đàm vẫn không thực hiện bản án, Chi cục thi hành án phải đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự. "Song chúng tôi quan niệm, nước đường cùng mới phải làm vậy. Không ai muốn hình sự hoá vụ việc dân sự. Anh ấy cũng là cha cháu bé. Sau này, người nuôi con, người đi tù, rất không hay".

Chi cục thi hành án tiếp tục tới nhà anh Đàm nhiều lần thuyết phục, phân tích. Trong lần cưỡng chế gần nhất, ngày 23/2, anh Đàm không thay đổi.

Theo Điều 120 Bộ luật Thi hành án Dân sự, hết thời hạn ấn định mà người bị buộc thi hành án (anh Đàm) không thực hiện, chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên (cháu Hải); hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không chấp hành án.

Thực hiện quy định này, ngày 6/3, Chi cục thi hành án Dân sự TP Bắc Ninh gửi kiến nghị khởi tố tới Công an thành phố Bắc Ninh về hành vi của anh Đàm. "Đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi kiến nghị khởi tố", đại diện Chi cục cho hay.

Ngày 24/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh xác định có dấu hiệu tội phạm trong sự việc trên, ra quyết định khởi tố vụ án.

Sau bốn lần VnExpress liên hệ, anh Đàm từ chối nêu quan điểm về thông tin vợ cũ trình báo và về quyết định khởi tố vụ án. Còn chị Dương cho biết mong muốn duy nhất của mình là không phải xa con.

Điều 380 Bộ luật Hình sự quy định về tội Không chấp hành án:

Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù 3 tháng đến 2 năm.

Bị phạt 2-5 năm tù và phạt tiền 5-50 triệu đồng nếu: Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tẩu tán tài sản.

Thanh Lam

* Tên người bố và cháu bé đã được thay đổi

Xem thêm: lmth.0638954-iout-gnaht-9-noc-oav-mahc-coud-gnohk-ihk-uuc-uac-em-iougn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người mẹ cầu cứu khi 'không được chạm' vào con 9 tháng tuổi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools