Cục Quản lý giá nói gì về đề xuất bỏ khung giá vận chuyển hàng không nội địa?
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng một số cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, phản hồi về một số ý kiến liên quan giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Theo đó, trong quá trình xây dựng Luật Giá sửa đổi, cục đã nhận được các kiến nghị liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Trong đó có kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không và kiến nghị quy định về việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường không...
Cục Quản lý giá cho biết căn cứ quy định pháp luật hiện hành, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.
Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về hàng không của Bộ Giao thông vận tải quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Quản lý giá đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Mỹ tăng 44,5%
Trong 4 tháng qua, giá cà phê Việt Nam tăng 32%, hiện dao động quanh mức 50.900 - 51.500 đồng/kg. Điều này là tín hiệu tích cực thúc đẩy nông dân bán hàng và cải thiện kim ngạch xuất khẩu, theo Chinhphu.vn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 3 đạt 15.300 tấn, trị giá 34,52 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 2, so với tháng 3-2022 tăng 40,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.
Tính chung quý 1-2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt xấp xỉ 39.400 tấn, trị giá 86,19 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng để tăng cường vị thế và lợi nhuận ngành, việc đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng vẫn là yếu tố chính giúp xuất khẩu ngành cà phê trong nước vững vàng.
TP.HCM: Thêm hàng chục ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh "vượt khó"
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Duy Minh cho biết ngày 14-4-2023, Chính phủ ban hành nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Theo tính toán, việc gia hạn và giảm thuế theo các chính sách hiện nay sẽ tạo thêm nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh khoảng trên 23.000 tỉ đồng.
Hiện Chính phủ đang đề xuất Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% và giảm tiền thuê đất trong năm 2023 vào kỳ họp tháng 5 tới. Nếu Quốc hội thông qua các chính sách này thì sẽ thêm khoản giảm thuế nữa.
Đây sẽ là động lực giúp bổ sung ngay nguồn tài chính, giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hà Nội thu ngân sách 4 tháng ước bằng 50,8% dự toán cả năm
Cục Thống kê Hà Nội cho biết tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 4 tháng đầu năm 2023 đạt 178.000 tỉ đồng, bằng 50,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa 169.300 tỉ đồng, đạt 52,3% dự toán và tăng 24,3%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 75.000 tỉ đồng, đạt 27,8% và giảm 15,2%; thu từ dầu thô 1.200 tỉ đồng, đạt 56,1% và giảm 5,6%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 4 tháng đầu năm là thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 35.100 tỉ đồng, đạt 59,6% dự toán và tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 34.700 tỉ đồng, đạt 46,7% và tăng 0,6%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 11.300 tỉ đồng, đạt 47,7% và tăng 29,7%; thuế thu nhập cá nhân 16.300 tỉ đồng, đạt 42,4% và giảm 2,5%...
Trước đó, năm 2023 dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được giao là trên 352.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, chi ngân sách địa phương 4 tháng đầu năm đạt 22.600 tỉ đồng, bằng 21,5% dự toán năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Số thu nhiều loại thuế giảm mạnh
Theo Cục Thuế TP.HCM, số thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu lệ phí trước bạ tại TP.HCM trong quý 1 đồng loạt giảm, một trong những nguyên nhân là do bất động sản đóng băng.
Cụ thể, số thu thuế giá trị gia tăng (VAT) quý 1 chỉ đạt 19.843 tỉ đồng, bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2022 do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, sức mua bị thu hẹp vì người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản đóng băng kéo theo các ngành nghề phụ trợ như sắt thép, xi măng, xây dựng... đều giảm.
Với thuế thu nhập cá nhân, dù số thu đạt 17.321 tỉ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân, theo Cục Thuế TP.HCM, là do thị trường bất động sản, chứng khoán đi xuống dẫn đến thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và giao dịch chứng khoán giảm sâu.
Về lệ phí trước bạ, quý 1 Cục Thuế TP.HCM thu được 1.490 tỉ đồng, chỉ bằng 78,9% so với cùng kỳ do chính sách kích cầu giảm 50% lệ phí trước bạ không còn. Thêm vào đó, thị trường bất động sản đang gặp khó dẫn đến số lượng hồ sơ giảm.
Hai khoản thu khác là tiền cho thuê đất quý 1 chỉ thu được 295 tỉ đồng, chỉ đạt 5,9% dự toán và bằng 19,5% so với cùng kỳ. Với thu tiền sử dụng đất, dù đã phát sinh một số khoản đột biến nhưng số thu cũng chỉ bằng 21,6% so với cùng kỳ.
Nước sông nhiễm mặn, Đà Nẵng gặp nguy cơ thiếu nước
Thông tin từ Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), những ngày qua độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ (trên sông Cẩm Lệ) liên tục tăng cao (có thời điểm vượt 1.000mg/l), kéo dài, gây áp lực lên tình hình cấp nước ở thành phố.
Ông Hồ Minh Nam, tổng giám đốc Dawaco, cho biết theo quy trình vận hành được cấp phép thì khi độ mặn từ 200-1.000mg/l sẽ dùng phương án hòa lẫn nước từ trạm bơm phòng mặn An Trạch kết hợp với cửa thu nước ở Cầu Đỏ. Khi độ mặn trên 1.000mg/l thì phải đóng kín cửa thu nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ và vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Hiện trạm bơm tại An Trạch được thiết kế công suất vượt công suất tiêu thụ nước của thành phố, tuy nhiên nếu các thủy điện đầu nguồn vận hành không ổn định, để mực nước ở đập An Trạch xuống dưới 1,4m thì sẽ ảnh hưởng trạm bơm.
Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia, mùa khô năm nay sẽ rất khắc nghiệt. Do vậy ngoài các phương án dự phòng cấp nước, đơn vị cũng khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và tăng cường tích trữ.
Hơn 1.200 ca COVID-19 mới trong 24 giờ
Theo Bộ Y tế, trong ngày 2-5 cả nước ghi nhận 1.202 ca mắc COVID-19 mới, 137 ca nặng, 747 ca được công bố khỏi, 4 ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.564.293 ca nhiễm (bình quân cứ 1 triệu người có 116.866 ca nhiễm). Trong đó, 10.623.491 bệnh nhân khỏi, 43.195 bệnh nhân tử vong (chiếm 0,4% so với tổng số ca nhiễm).
Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ 2K và lịch tiêm vắc xin COVID-19 của Bộ Y tế.
Tin tức đáng chú ý: Số ca tử vong do COVID-19 tăng, trong đó hầu hết chưa tiêm đủ mũi vắc xin; Xuất khẩu sầu riêng tăng 3 con số trong quý 1-2023...
Xem thêm: mth.92395410220503202-hnam-maig-mch-pt-o-euht-iaol-ueihn-uht-os-5-3-gnas-cut-nit/nv.ertiout