Chia sẻ với tờ This Week in Asia, Giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - ông Krishna Srinivasan nói rằng các nước trong khu vực có nhiều lý do để lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro từ lạm phát đến sự phân mảnh do địa chính trị gây ra.
Ông cho biết việc Trung Quốc (TQ) mở cửa trở lại là một trong những yếu tố giúp lạc quan về triển vọng của khu vực. Theo đó, Thái Lan , Lào và Campuchia - những điểm đến phổ biến của du khách TQ - có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
“Khi phần còn lại của thế giới hoạt động không tốt và bạn đang tăng trưởng ở mức 4,6%, bạn nên cảm thấy tốt” - ông nói, đề cập triển vọng tăng trưởng của châu Á năm 2023. Theo IMF, mức tăng trưởng này đóng góp tới 70% tăng trưởng toàn cầu trong năm.
Giám đốc bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - ông Krishna Srinivasan. Ảnh: HANDOUT |
Ông Srinivasan thừa nhận rằng vẫn còn những hoài nghi về việc liệu những cú sốc lớn từ Mỹ và châu Âu có thể cản trở triển vọng của châu Á hay không, song lưu ý rằng xuất khẩu của châu Á trong khu vực là khoảng 50%.
“Nếu lạm phát được kiểm soát, nhu cầu nội địa sẽ tăng mạnh, giúp bù đắp khoảng thiếu hụt từ Mỹ và châu Âu. Vì vậy, sự kết hợp giữa động lực tốt từ TQ với nhu cầu nội địa mạnh mẽ sẽ tạo nền tảng cho các quốc gia này tăng trưởng” - theo ông.
Theo báo cáo triển vọng toàn cầu 2023 của IMF, châu Á và Thái Bình Dương sẽ là “khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới trong năm nay, chủ yếu nhờ vào triển vọng lạc quan của TQ và Ấn Độ”, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%.