Đây là nội dung có trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng yếu kém
Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và ba ngân hàng mà Nhà nước mua lại 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) sẽ được Ngân hàng Nhà nước chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới.
Về việc xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10-2022. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.
Đến nay hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023 vừa diễn ra vào cuối tháng 4, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, VPBank, MB cũng hé lộ thông tin về việc tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Ông Phạm Quang Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank - cho biết cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Hiện Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
"Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới" - ông Dũng chia sẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết đang tiến hành định giá một ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc. Dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, MB sẽ định giá xong để trình Chính phủ.
Chủ tịch hội đồng quản trị VPBank - ông Ngô Chí Dũng - cho hay VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. VPBank đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng.
Ngoài công việc xử lý ngân hàng yếu kém như nêu trên, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong những tháng đầu năm đã làm việc trực tiếp với một số tổ chức tín dụng.
Mục đích là để nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xấu, cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
Các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhằm ngăn chặn nợ xấu phát sinh.
Vietcombank, VPBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém, còn MSB sẽ sáp nhập với một tổ chức nữa.
Xem thêm: mth.50540114130503202-mek-uey-gnah-nagn-nob-coub-tab-oaig-neyuhc-es-coun-ahn-gnah-nagn/nv.ertiout