Đêm nay theo giờ Việt Nam, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp quan trọng, đưa ra quyết định về lãi suất. Hiện phần lớn thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản đồng thời phát tín hiệu dừng tăng lãi suất, bởi vì những rắc rối trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chấm dứt và có thêm cả những áp lực mới từ các nhà làm luật.
Đây có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed, trong bối cảnh điều kiện cho vay bị thắt chặt hơn và có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo lạm phát hạ nhiệt đáng kể trong những tháng tới. Sau lần tăng này, lãi suất liên bang nằm trong khoảng 5% - 5,25%, cao nhất kể từ 2007.
Sau khi ngân hàng First Republic sụp đổ và kéo theo một loạt cổ phiếu của các ngân hàng khu vực giảm sâu, một số nhà đầu tư nghĩ đến việc Fed sẽ ngừng tăng lãi suất ngay trong tuần này. Điều này không phải là không có khả năng xảy ra dù từ trước tới nay các nhà hoạch định chính sách vẫn tách bạch chính sách lãi suất với các công cụ được sử dụng để giải quyết bất ổn trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên theo như Michael Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan Chase, Fed muốn dừng lại nhưng tình hình không cho phép họ làm điều đó. “Họ biết rằng mình vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ chống lạm phát”.
Fed sẽ quyết định về lãi suất vào 2h đêm nay theo giờ Việt Nam, sau đó 30 phút là buổi họp báo của Chủ tịch Jerome Powell. Fed không công bố các dự báo về kinh tế cũng như lãi suất trong lần này.
Đây sẽ là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,25%, đánh dấu đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử 109 năm của cơ quan này.
Ngày càng có nhiều nhà làm luật kêu gọi Fed ngừng tăng lãi suất. Hôm 2/5, các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders viết 1 lá thư cảnh báo cuộc khủng hoảng ngân hàng cùng với lãi suất tăng liên tiếp sẽ “khiến nước Mỹ thiệt hại nhiều hơn so với việc Fed phản ứng quá mức”.
Mặc dù lạm phát vẫn còn cách xa mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra, nhiều thành phần chủ chốt của nền kinh tế như chi tiêu tiêu dùng hay lạm phát trong khu vực dịch vụ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Như vậy trong nửa cuối năm áp lực lạm phát sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra tín dụng bị thắt chặt do vừa xảy ra một loạt vụ phá sản ngân hàng cũng là yếu tố sẽ đè nặng lên các hoạt động kinh tế.
Bất kỳ tín hiệu ngừng tăng lãi suất nào – dù trong thông báo của FOMC hay trong buổi họp báo của ông Powell – cũng sẽ bị lu mờ trước những từ ngữ mạnh mẽ khẳng định các quan chức Fed vẫn chưa “xong việc”.
“Ưu tiên số 1 của Fed vẫn là lạm phát”, chuyên gia kinh tế Veronica Clark của Citigroup nhận xét. “Họ có tất cả các công cụ để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính, nhưng lạm phát hay sự ổn định của giá cả vẫn là vấn đề lớn”.
Sau cuộc họp gần nhất hồi tháng 3, Fed đã nhẹ giọng hơn, nói rằng “bổ sung thêm sẽ là hợp lý” thay vì “cần phải tiếp tục tăng lãi suất”. Lần này Fed có thể tiếp tục thay đổi ngôn ngữ, ví dụ như tuyên bố việc có tăng lãi suất nữa hay không sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế biến động như thế nào.
Theo chuyên gia Feroli, buổi họp báo “là cơ hội để ông Powell giải thích thêm về suy nghĩ của Fed”. Nhưng đây cũng là 1 thách thức lớn đối với Chủ tịch Fed, người sẽ muốn tránh gửi đi thông điệp rằng Fed ngừng tăng lãi suất vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Và chắc chắn sự sụp đổ của First Republic sẽ khiến ông Powell phải trả lời nhiều câu hỏi về khả năng rủi ro lây lan sang các ngân hàng khác. Theo chuyên gia Krishna Guha của Evercore ISI, “chúng ta đang ở giai đoạn rất sớm của căn bệnh kinh niên, và chắc chắn sau những vụ như First Republic hay SVB, hàng trăm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ của Mỹ sẽ hành động thận trọng hơn nhiều trong những tháng tới”.
Đây cũng là lần đầu tiên 1 quan chức Fed xuất hiện trước công chúng kể từ khi Fed công bố báo cáo thừa nhận những sai lầm khi chưa giám sát SVB chặt chẽ và để xảy ra sự cố. Những diễn biến tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là khía cạnh thắt chặt cho vay, sẽ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ càng trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù một số quan chức nói rằng Fed cần phải tăng lãi suất trở lại sau khi tạm ngừng một thời gian, có 1 câu hỏi quan trọng mà những người theo dõi Fed quan tâm là khi nào các nhà hoạch định chính sách sẽ hạ lãi suất. Với dự báo kinh tế sẽ suy thoái vào cuối năm nay, nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ nới lỏng tiền tệ sớm nhất là từ tháng 9. Nhưng trong cuộc họp tháng 3, không có quan chức nào của Fed dự báo lãi suất sẽ hạ trong năm nay.
Rất có thể bối cảnh hiện nay sẽ chấm dứt thời kỳ các quan chức Fed có được sự đồng thuận lớn chưa từng thấy dưới thời ông Powell. Chủ tịch Fed Austan Goolsbee, thành viên mới nhất của FOMC, cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên thực sự “thận trọng và kiên nhẫn” trong những tháng tới để có thể đánh giá đầy đủ những áp lực mà các ngân hàng phải đối mặt tác động đến nền kinh tế như thế nào. Khác với các thành viên còn lại, ông không ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất 0,25%.
Tham khảo Bloomberg
Xem thêm: nhc.12552551305032881-gnuc-iouc-nal-taus-ial-gnat-es-def-yan-med/nv.fefac