Cục Thuế TP.HCM cho biết trong quý 1 có 12.486 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến 22.612 doanh nghiệp "biến mất" khỏi thị trường.
Trong số này có 249 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, 3.720 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Còn lại 13.628 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 16,88% so với cùng kỳ 2022. 5.264 doanh nghiệp khác đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các chỉ tiêu kinh tế đều có dấu hiệu giảm. Thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc khan hiếm về đơn hàng, nguồn vốn, cộng với sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh là nguyên nhân khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngay cả các "ông lớn", số thuế nộp cũng giảm rất mạnh. Cụ thể như Công ty TNHH Apple Việt Nam nộp giảm 287 tỉ; Nhà máy bia Heineken nộp giảm 403 tỉ đồng.
Tương tự, số thuế nộp bị giảm đi ở Công ty Samsung là 109 tỉ; Công ty Xây dựng Hòa Bình nộp giảm 152 tỉ, các công ty thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh nộp giảm 135 tỉ. Công ty CP PT Phú Hưng Thái nộp giảm 176 tỉ, Công ty CP NDC An Khang nộp giảm 142 tỉ.
Theo thống kê, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Cục Thuế TP.HCM cũng dự báo quý 2 thu ngân sách chỉ được khoảng 69.200 tỉ đồng, bằng 85% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng được 163.500 tỉ đồng, đạt 51% dự toán, bằng 94% so với cùng kỳ.
Kinh tế khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng khiến sức mua giảm sâu, hệ quả là doanh nghiệp thương mại, sản xuất đều lao đao.
Xem thêm: mth.16061309130503202-tam-neib-mch-pt-iat-peihgn-hnaod-216-22-gnaht-3-gnort/nv.ertiout