Thách thức từ thị trường quốc tế
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đạt hơn 5,8 tỷ USD, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 có thể đạt thêm 3 tỷ USD, trong khi mục tiêu năm 2023 của ngành dệt may đặt ra là 47 tỷ USD.
Nhiều thách thức đặt ra với ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Đó là tổng cầu giảm trên toàn thế giới do lạm phát, trong khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn có tâm lí thắt chặt chi tiêu, vấn đề xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu....
Bên cạnh đó, hàng tồn kho của các nhãn hàng trên toàn cầu hiện vẫn tương đối lớn, tạo áp lực cho các nước sản xuất như Việt Nam.
Trong những nhóm giải pháp đặt ra cho dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp cần chú trọng sự linh hoạt và đa dạng hoá từ cơ cấu sản phẩm, khách hàng và thị trường.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản thì gần đây dệt may bắt đầu khai thác các thị trường mới cùng tham gia các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Trong đó có Canada, Australia, Trung Đông, châu Phi và các nước thuộc cộng đồng SNG.
Tuy nhiên, một vấn đề áp lực với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi tiếp cận thị trường mới là an toàn dòng tiền. Do vậy, thông qua các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, Vitas mong muốn tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá mức độ tin cậy của những giao dịch quốc tế, đồng thời có giải pháp thu hồi dòng tiền khi xuất khẩu hàng sang các thị trường mới.
Bên cạnh sử dụng dịch vụ trung gian của các định chế tài chính quốc tế, lãnh đạo Vitas cho rằng, việc tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng của các nhãn hàng sẽ là sự bảo lãnh quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dòng tiền trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất đang đứng trước thách thức phải thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh. Song quá trình chuyển đổi như vậy cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Phía Vitas dẫn ra cách làm của Bangladesh, đó là các dự án chuyển đổi xanh được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp.
Huy động nhiều giải pháp
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịch Hiệp hội May Thêu Đan Tp.HCM cho biết sức mua của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa phục hồi, còn thị trường nội địa trong tháng 2/2023 cũng ghi nhận giảm khoảng 20-30%.
“Các nhà máy của chúng tôi giảm công suất xuống 80%, những dây chuyền sản xuất sản phẩm cao cấp bị đình trệ, công nhân bị giảm giờ làm việc”, ông Việt nói.
Ông Việt cho rằng, triển vọng của ngành dệt may nửa đầu năm 2023 vẫn ảm đạm, ít nhất phải từ quý 3/2023, thị trường mới dần hồi phục, giá nguyên liệu đầu vào giảm, hạ bớt áp lực cho doanh nghiệp. Hy vọng này vẫn khá mong manh khi căng thẳng Nga - Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt nên các dự báo đều khó có độ chính xác cao.
Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện nhiều giải pháp như tái cấu trúc, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm… nhằm duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, chờ khi thị trường ấm lại.
Chủ tịch VitaJean cho biết, ngoài các thị trường như Mỹ, EU, doanh nghiệp này đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia, Canada, đồng thời tăng cường tiêu thụ nội để phần nào bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường truyền thống.
Ngoài việc cơ cấu lại thị trường như VitaJean, Tổng công ty May 10 còn thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và xác định chiến lược phát triển bền vững. Đại diện doanh nghiệp này nhìn nhận, khi thị trường khó khăn nhất cũng là lúc lập lại trật tự của các doanh nghiệp, nhà cung cấp.
Do vậy, nếu muốn tồn tại, doanh nghiệp cần phải đánh giá và rà soát lại, thông qua định vị về sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng gần đây số lượng các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước, đặc biệt đối với phân khúc thời trang công sở.
Do đó, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng lượng xuất khẩu nửa cuối năm 2023 sẽ tăng so với đầu năm, đưa tổng giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2022.
"Năm ngoái chúng ta xuất được hơn 44 tỷ USD, và mục tiêu năm nay là 45-46 tỷ USD, trường hợp thị trường chuyển biến tốt thì có thể lên 47-48 tỷ USD. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu các tháng đầu năm đã giảm mạnh so với năm 2022, nên để cả năm 2023 được tăng trưởng, chúng ta phải nỗ lực rất lớn ở 2 quý cuối năm", bà Mai nhận định.
Vị này phân tích thêm: "Mỹ chiếm trên dưới 20% giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn nhiều nhất, trong khi các thị trường như khu vực Đông Nam Á, châu Á... ít bị ảnh hưởng hơn.
Hay trong thời điểm dịch Covid-19, quần áo thể thao, mặc ở nhà được đối tác đặt nhiều, thì nay quần áo công sở lại được ưa chuộng. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam không thể "bỏ hết trứng vào một rổ", phải nỗ lực để sớm đa dạng thị trường, sản phẩm mới có thể tồn tại, phát triển".