Giới quan sát phương Tây dự đoán cuộc phản công của Ukraine sẽ sớm xảy ra để chiếm lại các vùng lãnh thổ hiện nay do quân Nga chiếm đóng, trong khi cho rằng Tổng thống Nga Putin đang muốn kéo dài cuộc chiến.
Ưu tiên chiến thuật của Nga
Các hãng truyền thông thân Nga cho rằng triển vọng cuộc phản công của Ukraine khó thành hiện thực khi quân đội Nga vừa thực hiện thành công một loạt cuộc tấn công lớn vào các kho đạn dược của Ukraine, làm cạn kiệt nghiêm trọng kho dự trữ vũ khí của nước này.
Hôm 1-5, cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã phá hủy một tuyến đường sắt chứa tới 200 tấn đạn dược của Ukraine ở Donetsk. Một cuộc tấn công riêng rẽ khác bằng tên lửa của Nga đã phá hủy hai sư đoàn tên lửa của hệ thống phòng không S-300 trong kho vũ khí ở Pavlograd thuộc vùng Dnepropetrovsk của Ukraine.
Trong khi đó, ngày 2-5 Tổng thống Ukraine Zelensky không đề cập gì đến vụ thiệt hại kho vũ khí mà chỉ cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố miền đông Pavlohrad đã khiến 2 người thiệt mạng và 40 người bị thương.
Trước đó, phía Nga cũng cho rằng 4 bệ phóng tên lửa của hệ thống S-300 phòng không của Ukraine bị phá hủy sau cuộc không kích thành công của Nga vào ngày 27-4. Các tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ trên mạng gần đây cũng tiết lộ đánh giá của Washington cho rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone của Nga đã làm cạn kiệt một cách có hệ thống kho dự trữ vũ khí của Ukraine.
Mặc dù số liệu thiệt hại kho vũ khí của Ukraine chưa thể xác thực, nhưng việc tấn công dồn dập vào hậu cần vũ khí của Ukraine thể hiện sự ưu tiên nhất quán trong chiến thuật tác chiến của quân đội Nga hiện nay. Đó là làm suy yếu năng lực phòng thủ, cũng như làm giảm cơ hội phản công của Ukraine trong bối cảnh Nga đang gặp khó khăn về vũ khí.
Nga cũng đang thiếu vũ khí?
Cũng trong ngày 2-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã kêu gọi nhanh chóng tăng gấp đôi sản lượng tên lửa dẫn đường của Nga và đẩy nhanh việc bổ sung các loại vũ khí và thiết bị quân sự khác cần thiết cho cuộc chiến ở Ukraine. Bởi theo ông Shoigu, Nga đang chiến đấu không chỉ với Ukraine mà còn với "sự hỗ trợ quân sự chưa từng có từ phương Tây".
Việc thiếu hụt vũ khí của quân đội Nga không phải là sự phóng đại khi tuần trước người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin đã kêu gọi Bộ Quốc phòng Nga tăng cường vận chuyển đạn dược cho đội quân của ông đang chiến đấu ở Bakhmut (Ukraine).
Trong video đăng trên kênh Telegram, ông Yevgeny Prigozhin cho biết cần ít nhất 300 tấn đạn pháo mỗi ngày để giành lấy thành phố Bakhmut, trong khi các lực lượng của ông mới chỉ nhận được khoảng 1/4 số đạn dược họ cần.
Điều này cho thấy ngành công nghiệp vũ khí Nga đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu của chiến tranh. Những cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố của Ukraine cũng bị gián đoạn và không liên tục trong thời gian qua vì lực lượng Nga được cho là thiếu kho dự trữ vũ khí đầy đủ để duy trì năng lực tấn công.
Các lực lượng của Nga hiện đang thực hiện hai mục tiêu: tích cực tăng sản xuất vũ khí ở hậu phương, đồng thời phá hủy kho vũ khí của Ukraine để duy trì sự vượt trội trên chiến trường. Các cuộc tấn công này diễn ra khi các nguồn tin của Ukraine và phương Tây đều cảnh báo Kiev đang ngày càng thiếu đạn dược.
Để tiếp sức cho Ukraine, Mỹ đang có kế hoạch sớm công bố gói viện trợ quân sự lần thứ 37 mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. Lần đầu tiên, gói viện trợ vũ khí sẽ bao gồm tên lửa Hydra-70 tầm ngắn, được phóng từ máy bay và có thể được sử dụng để hỗ trợ trên không cho các lực lượng mặt đất tiến công của Ukraine, bên cạnh các loại đạn cho pháo, lựu pháo, súng cối, tên lửa và súng trường chống tăng.
Đúng như ông Sergei Shoigu tuyên bố, Nga đang phải chiến đấu với một Ukraine đang được hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây, cho nên những cuộc tấn công mang tính phá hủy của Nga vào các cơ sở hậu cần vũ khí của Ukraine được nhận định sẽ trở nên dày đặc hơn trong thời gian tới.
Hơn 150 cuộc tấn công
Cụm công nghiệp quốc phòng Ukraine Ukroboronprom đã chứng kiến hơn 150 cuộc tấn công của Nga kể từ khi cuộc chiến bắt đầu đến nay. Tuy nhiên, Ukroboronprom cho biết họ đã cung cấp số vũ khí cho quân đội Ukraine trong năm qua nhiều hơn tám lần so với năm trước đó, bất chấp sự tấn công dai dẳng và gia tăng cường độ của Nga gần đây.
Dù vậy, khả năng chiến đấu của các lực lượng Ukraine hiện nay và trong tương lai vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vũ khí do phương Tây cung cấp. Chẳng hạn, các công ty vũ khí của Ukraine không thể sản xuất được các loại vũ khí hiện đại và tinh vi như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) hay các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot…
Mỹ cho biết đang cố gắng xác thực cáo buộc của Nga về việc Ukraine dùng máy bay không người lái tấn công nơi ở của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Điện Kremlin.
Xem thêm: mth.92223318040503202-ihk-uv-oah-ueit-tauht-neihc-av-agn/nv.ertiout